19:24 26/03/2007

Khi ngân hàng ngoại “đổ bộ”

Hà Linh

Các ngân hàng trong nước có lo không khi các ngân hàng 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam?

Tại một điểm giao dịch của HSBC - ngân hàng vừa tuyên bố có thể sẽ mở ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại một điểm giao dịch của HSBC - ngân hàng vừa tuyên bố có thể sẽ mở ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam lần thứ 2 vừa được tổ chức tại Hà Nội, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và lạc quan về sự tăng trưởng trong tương lai.

>>Việt Nam sắp có ngân hàng 100% vốn ngoại?

Dễ hiểu vì theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho các ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động.

Trái với mối lo lắng tồn tại bấy lâu nay xuất phát từ lời cảnh báo về việc cạnh tranh gay gắt sẽ diễn ra khi các ngân hàng nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam, các chuyên gia tài chính quốc tế cũng như đại diện lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam tham gia hội nghị đã khẳng định sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài sẽ tạo ra lợi thế bổ sung cho nhau.

Giải pháp hai bên cùng có lợi

Trên thực tế phải thừa nhận rằng sắp tới đây, khi các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, và đó sẽ là bài kiểm tra đối với các ngân hàng Việt Nam. Làm sao các ngân hàng trong nước có thể cạnh tranh được với các ngân hàng lớn có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trên thế giới vẫn là mối đau đầu của không ít các ông chủ ngân hàng trong nước.

Tuy nhiên, với cách nhìn chiến lược, theo ông Tepal Sigh Hora đến từ Tập đoàn tài chính châu Á thì khi ngân hàng nước ngoài vào họ sẽ đem đến những cơ hội về mặt sản phẩm, cơ chế quản lý, hệ thống về năng lực, đề ra mô hình mới..., tất cả những yếu tố này góp phần củng cố một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh. Như vậy, các ngân hàng trong nước có thể học hỏi những lợi thế của ngân hàng nước ngoài.

“Tôi nghĩ nền công nghiệp ngân hàng đang đi đúng hướng, cần có sự kết hợp giữa ngân hàng này với ngân hàng khác vì đó là mô hình được các ngân hàng quốc tế sử dụng, đây được gọi là mẫu ngân hàng tiêu dùng”, ông nhấn mạnh và nói thêm: “Chúng ta cùng sử dụng chung một mô hình, cách tiếp cận mô hình để đưa ra các dịch vụ của ngân hàng. Trong mô hình này, chúng ta cần phải học cách thích ứng nhanh chóng”.

Hơn nữa theo ông, hiện nay đang có xu hướng trao đổi nhân lực giữa các ngân hàng nên khi các ngân hàng nước ngoài vào sẽ là một cơ hội nhưng điều đó phụ thuộc vào khả năng tiếp thu của các ngân hàng trong nước.

Vậy các ngân hàng trong nước có lo không khi các ngân hàng 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam?

Ông Lý Xuân Hải, Chủ tịch Ngân hàng ACB, cho biết: lúc nào chúng tôi cũng phải lo lắng. Tuy nhiên việc ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam nói chung đó là tác động tích cực bởi vì họ đem đến phương pháp tiếp cận mới và làm thị trường hoàn hảo hơn, gắn kết hơn.

Ông dẫn một ví dụ cụ thể: hiện nay, chúng ta mới bắt đầu đề cập đến các loại quỹ đầu tư, trong khi các ngân hàng nước ngoài đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm về vấn đề này nên sẽ rất lợi thế khi đưa vào trong nước dịch vụ này.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sacombank, đồng tình: “Chúng ta có thể hợp tác với nhau để mở rộng thị trường hiện tại. Cái “bánh” hiện còn nhỏ, chúng ta có thể cùng hợp tác để làm miếng bánh to lên và chia sẻ lợi ích”.

Ông Trung cho rằng kể cả ngân hàng nước ngoài hay trong nước thì vẫn có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi về công nghệ, nhân lực và có thể cùng mở rộng hoạt động ra các quốc gia khác.

Ông Micheal Pettis, Giáo sư tài chính Đại học Bắc Kinh, cho rằng đây là giải pháp hai bên cùng có lợi. “Về mặt lịch sử, khi mở cửa thị trường cho ngân hàng nước ngoài, có khi họ sẽ thống trị thị trường nhưng cũng có trường hợp cùng nhau chia sẻ thị trường và lợi nhuận. Tôi cho rằng Việt Nam đang đi theo hướng thứ hai này”.

Giáo sư Micheal Pettis nhận xét như trên và dẫn những điều ông quan sát: “Khi ngân hàng nước ngoài vào, họ cũng cần kinh nghiệm của ngân hàng trong nước và tất nhiên họ cũng sẽ chiếm lĩnh được mảng thị trường nhất định như mảng thị trường các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hoặc những mảng sản phẩm mà các ngân hàng Việt Nam chưa đủ sức”.

Mặc dù thừa nhận cũng có tác động không tốt vì có những ngân hàng trong nước không đủ năng lực thì sẽ sụp nhưng giáo sư Micheal Pettis vẫn khẳng định: đây là giải pháp cùng có lợi cho cả ngân hàng trong và ngoài nước. “Theo kinh nghiệm của tôi, để xây dựng một lĩnh vực ngân hàng mạnh ở Việt Nam thì mỗi ngân hàng phải là ngân hàng lành mạnh đã. Dĩ nhiên chúng ta cần phải có sự minh bạch”, ông nói.

Cách thức để đẩy nhanh tiến trình cải cách

Gia nhập WTO đồng nghĩa với nhu cầu cải cách trong lĩnh vực ngân hàng đòi hỏi rất cao nhưng hiện nay vẫn còn ở mức cơ bản, do Việt Nam bắt nguồn từ nền tảng thấp.

Hiện mới chỉ có 8% dân số Việt Nam sử dụng các sản phẩm của dịch vụ ngân hàng, 90% thanh toán của ngân hàng hiện nay bằng tiền mặt, 50% số doanh thu của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đến từ các thành phố lớn.

Trước thực tế đó, theo ông Trung, Việt Nam cần có sự điều chỉnh để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng cần có chiến lược riêng của mình để tăng cường hoạt động từ phát triển sản phẩm dịch vụ tiếp thị thị trường, thay đổi cơ cấu cũng như quy mô hoạt động của ngân hàng ngay từ hệ thống trong nước và cần phải đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ.

Mặc dù Sacombank hiện đang là một trong số những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng chỉ có 200 sản phẩm dịch vụ chính. Ông Trung cho biết dịch vụ đang được Sacombank tập trung sẽ nhắm vào đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình.

Tóm lại, theo ông, cần phải chuyên môn hoá, tất cả các cơ quan của ngân hàng cần được cơ cấu lại, mỗi chi nhánh cần được chuyên nghiệp, phân chia công việc cụ thể.

Về phía ngân hàng ACB, ông Hải cho biết sẽ có nhiều việc phải làm để mở rộng hoạt động của ngân hàng. Ông cho rằng Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đòi hỏi ngân hàng phải có cùng chung một ngôn ngữ, cùng suy nghĩ như đối tác, cũng như phải tiến hành cơ cấu như đối tác muốn và cần phải theo mong muốn của đối tác. Trong quá trình cải cách ngân hàng cần phải tiến hành toàn diện trên các lĩnh vực, góc độ, từ góc độ về dịch vụ sản phẩm ngân hàng cung ứng cho các doanh nghiệp đến các chính sách quảng bá về thương hiệu và liên quan đến cả vấn đề công nghệ thông tin, hệ thống quản lý.

Ông Hải đặc biệt nhấn mạnh vào 5 ưu tiên của ACB: tăng trưởng nhanh, quản lý rủi ro, định vị cho ngân hàng một vị trí tốt để có khoản lợi nhuận cao, hệ thống nhân lực tốt, và thiết lập văn hoá doanh nghiệp.

Tuy nhiên sự phát triển của ngành ngân hàng không thể thiếu sự ủng hộ và những cơ chế hỗ trợ của Chính phủ. Ông Trung cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương tăng số vốn chủ sở hữu cần thiết cho việc mở rộng mạng lưới từ 20 tỉ đồng lên đến 70 tỉ đồng đối với một chi nhánh đang đặt ra cho các ngân hàng muốn mở rộng mạng lưới trước một vấn đề rất nan giải.

Ngoài ra, theo ông Trung, Chính phủ cần tạo ra những cơ chế để tự bản thân nó sẽ có tác dụng hỗ trợ ngành ngân hàng, như việc ban hành quy định doanh nghiệp và cá nhân giao dịch qua ngân hàng, ưu đãi trong việc quản lý thuế cho các doanh nghiệp có tỷ lệ giao dịch qua ngân hàng cao, không chấp nhận những giao dịch lớn mà không thông qua ngân hàng.