Khó vay vốn, nhiều nông dân kêu phải vay tín dụng đen để sản xuất
Thông tin thiếu minh bạch, rõ ràng khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Để duy trì sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân đã phải vay vốn với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.
Đây chính là thực tế được nhiều hộ nông dân đưa ra tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới" ngày 9/4.
Sản xuất gặp khó khăn, Chính phủ có giảm lãi suất?
Một trong số những vấn đề được người nông dân hiện nay quan tâm là vay vốn. Theo nông dân Tô Hiến Thành (xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang), để duy trì sản xuất nông nghiệp, những hộ nông dân như ông phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.
Chính vì vậy, ông Thành hy vọng Chính phủ sẽ chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp và có giải pháp để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn.
Trong khi đó, nông dân Nguyễn Đăng Cường (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… cho nông dân vay vốn với lãi suất rất thấp, chỉ bằng 1/2 lãi suất ở lĩnh vực khác.
Còn ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, nguy cơ rủi ro cao, giá cả bấp bênh, thu lời ít, nhưng nông dân vay vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất rất cao, có khi cao hơn cả doanh nghiệp.
"Để giúp nông dân bớt khó khăn, xin hỏi Thủ tướng có giảm 50% lãi suất so với lĩnh vực khác cho nông dân không?", ông Cường đặt câu hỏi.
Giải đáp những thắc mắc này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Cụ thể, áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung); ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà Việt Nam có lợi thế hoặc có kim ngạch xuất khẩu lớn…
"Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 55 theo hướng bổ sung một số quy định mới như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi và nhu cầu vốn ngày càng tăng; ưu đãi cho vay nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt vốn từ 50 triệu đồng sẽ tăng gấp đôi lên 100 triệu đồng", ông Tú cho biết.
Về vấn đề lãi suất, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay lãi suất đã giảm khoảng hơn một nửa so với đầu năm 2013, từ 14% xuống về dưới 6,5%.
"Đây là điều tích cực nhằm giảm lãi suất cho vay, nhằm giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, hộ nông dân", ông Tú khẳng định.
Riêng về tài sản thế chấp, ông Đào Minh Tú cho biết theo Thông tư 59 mới ban hành thì tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền.
Theo đó, các hộ nông dân, các hộ vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.
Không phải thiếu vốn mà bởi tính minh bạch thông tin
Trở lại vấn đề tín dụng đen mà nông dân Tô Hiến Thành đề cập đến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết không phải các ngân hàng không đủ vốn cho người dân mà vấn đề nằm ở tính minh bạch thông tin.
"Hệ thống ngân hàng có chi nhánh rải khắp các tỉnh, thành, xuống tận thôn bản. Tính thanh khoản đang rất dồi dào, nếu thiếu vốn Ngân hàng Nhà nước lập tức bơm vốn nên chắc chắn không có tình trạng thiếu vốn.
Cái khó là người dân không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, lý do là tính minh bạch thông tin của người dân. Vì thông tin không minh bạch rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay, bởi rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng xiết chặt quy định cho vay", ông Tú nói.
Để hạn chế nợ xấu, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, gần đây Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai thí điểm mô hình cho vay lưu động, trực tiếp đến xã. Nếu hiệu quả sẽ triển khai rộng, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tín dụng đen.
Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, hiện tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế.
Riêng tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực tam nông đạt khoảng 20% (tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 7%).
Điển hình, cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dư nợ đã đạt 36.000 tỷ đồng, với gần 6.400 khách hàng được vay, trong đó chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng.
Một số chương trình tín dụng lớn về cho vay phát triển thuỷ sản, đánh bắt xa bờ như Chương trình 67 với dư nợ khoảng 10.700 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ giảm tổn thất cũng nhiều hộ được nhận hỗ trợ, giảm lãi với dư nợ 4.829 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều chủ trương mang tính "khẩn cấp" như đợt khủng hoảng lợn năm 2017, ngân hàng đã giảm lãi suất, khoanh nợ với giá trị lên tới hơn 3.200 tỷ đồng.