Khởi động đợt bán vốn Nhà nước nửa cuối 2018
Kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bắt đầu vào guồng mới nửa cuối 2018
Sáng 8/8, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý, đầu tư thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đây là văn bản hướng dẫn Nghị định 32 của Chính phủ ban hành đầu năm nay (tháng 3/2018), tạo khung pháp lý cụ thể để triển khai hoạt động bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, sau chờ đợi trong quý 2/2018.
Trong năm 2017 và đầu 2018, SCIC cũng như một số doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện loạt thương vụ thoái vốn thành công, thu hút sự tham gia mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, sau kế hoạch bán vốn thành công tại Công ty Nhựa Bình Minh đầu năm nay, cả SCIC cũng như các đầu mối khác nói chung phải chờ đợi bước cụ thể hóa hướng dẫn cơ chế mới, quy định tại Nghị định 32 nói trên.
Với thông tư Bộ Tài chính vừa ban hành, hoạt động bán và thoái vốn Nhà nước theo cơ chế mới từ thời điểm này đã bắt đầu có khung pháp lý đầy đủ.
Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian chờ đợi văn bản hướng dẫn trên, SCIC đã chủ động chuẩn bị trước các công tác như ký hợp đồng với các đầu mối thẩm định giá, các bước kỹ thuật liên quan, để khi có hướng dẫn chính thức sẽ rà soát, khớp nối và điều chỉnh hoặc bổ sung sự chuẩn bị đó, nhằm rút ngắn thời gian và chủ động hơn trong công tác bán vốn.
"Thời gian qua nếu ngồi chờ có các văn bản hướng dẫn mới làm thì bao giờ mới xong. Nên phải làm các công tác chuẩn bị trước, sau đó đối chiếu rà soát khi hướng dẫn ban hành. Khi có cơ chế hướng dẫn, đã chuẩn bị từ trước thì việc triển khai được nhanh", Chủ tịch SCIC nói, cũng như cho biết đầu mối này đã bắt đầu cho kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn trong nửa cuối năm nay như Vinaconex, Vinacontrol...
Cùng với SCIC, vừa qua một số doanh nghiệp nhà nước lớn cũng chờ đợi hướng dẫn cụ thể cơ chế quy định trong Nghị định 32. Trong quá trình đó, họ cũng đã chuẩn bị trước một số bước để sẵn sàng khớp với văn bản hướng dẫn khi ban hành.
Như tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thực hiện cơ chế mới tại Nghị định 32 và trong khi chờ thông tư hướng dẫn nói trên, các hoạt động tiếp xúc các nhà đầu tư nước ngoài, thuê tư vấn định giá… cũng đã và đang được tiến hành trong kế hoạch chào bán 10% vốn.
Tương tự, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư được đề cập từ đầu năm, nêu cụ thể tại đại hội đồng cổ đông, nhưng vẫn phải mất thêm thời gian để thực hiện cơ chế mới, cũng như khớp với quy định tại văn bản hướng dẫn Bộ Tài chính vừa ban hành…
Về cơ chế mới cho việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch SCIC cho rằng, vì đặc thù của mỗi doanh nghiệp gắn với phương án thoái vốn khác nhau, phù hợp với các điều kiện, với các đối tượng nhà đầu tư. Nghị định 32 đã thể chế hóa điểm này, cho các phương án khác nhau, lựa chọn phương án phù hợp với mỗi doanh nghiệp, là một bước tiến mới của cơ chế.