12:25 31/10/2008

“Không có chuyện phòng chống tham nhũng chùng xuống”

Đức Long

Nhận định của Tổng thanh tra Chính phủ về hoạt động phòng chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua

Ông Trần Văn Truyền - Ảnh: VNN.
Ông Trần Văn Truyền - Ảnh: VNN.
Nhận định của ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ về hoạt động phòng chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua.

Thưa ông, với vị trí là người đứng đầu ngành thanh tra của Chính phủ, ông lý giải thế nào về ý kiến cho rằng công tác phòng chống tham nhũng thời gian gần đây “chùng xuống”, có nhiều vụ án xét xử tham nhũng “đầu voi, đuôi chuột”?

Không có chuyện phòng chống tham nhũng chùng xuống.

Qua đơn thư tố cáo của nhân dân, của cán bộ công chức, công tác này vẫn tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Chuyện “đầu voi, đuôi chuột” đó là do thông tin  không chính xác.

Cũng phải chú ý là khi đưa ra khởi tố, có dấu hiệu của nhiều tội danh. Nhưng trong quá trình điều tra, phải đủ căn cứ thì mới kết luận. Không đủ căn cứ thì phải loại ra.

Nhưng vì sao lại có quá nhiều vụ, sau quá trình điều tra thì lại thay đổi lớn so với đánh giá ban đầu?

Theo nguyên tắc của pháp luật, cũng như theo chỉ đạo của Thủ tướng thì phải làm đúng pháp luật, chính xác, khách quan. Nếu có tội đến đâu thì kết luận đến đó. Không vì lý do gì mà nói tội nhiều, cố xử cho được. Ngược lại, cũng vì lý do gì có lỗi, có phạm mà lại xử nhẹ đi.

Xử nghiêm, nhưng phải đúng pháp luật. Chứ không phải xử nghiêm là cố xử nặng, xử nhiều. Nên có thể các cơ quan chức năng nắm thông tin ban đầu chưa thật đầy đủ, thì đưa ra nhiều nội dung.

Nhưng trong quá trình điều tra, xem xét lại tất cả chứng cứ, các điều kiện để có thể đi đến kết luận được, thấy rằng không đúng, thì phải loại ra. Cách làm phải đúng trách nhiệm, đúng pháp luật thì mới tốt được.

Cũng chính vì vậy, vừa qua có nhiều vụ việc phải trả lại hồ sơ đi, hồ sơ lại để điều tra nhiều lần. Nhưng với quan điểm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của Viện kiểm sát cho rằng, cần phải làm rõ và làm đúng. Nếu chưa đủ chứng cứ, thì phải trả hồ sơ để điều tra lại.

Thưa ông, liệu có gì mâu thuẫn trong việc báo cáo phòng chống tham nhũng cho rằng tham nhũng vẫn còn phức tạp, nhưng số vụ việc phát hiện lại giảm đáng kể?

Thứ nhất, không nên ngộ nhận là tính chất nghiêm trọng, phức tạp thời điểm này với thời điểm khác là như nhau.

Ví dụ  trước khi có Nghị quyết Trung ương 3, chưa có luật phòng chống tham nhũng thì đánh giá tình hình nghiêm trọng và phức tạp, nhưng ở mức độ, phạm vi rộng hơn, thậm chí nhiều vụ là do tồn đọng kéo dài, chưa được giải quyết. Nhưng qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết, đã giải quyết được rất nhiều vụ việc. Nên tính chất nghiêm trọng, phức tạp ở đây cũng đã khác đi.

Thứ hai là do đã ráo riết làm trong hai năm qua thì đương nhiên cũng phải giảm xuống.

Thứ ba, nói phức tạp là vì hành vi có sự tinh vi hơn, có sự liên kết, và hiện nay có cả sự kết hợp yếu tố nước ngoài nữa. Cho nên việc điều tra, xử lý đương nhiên cũng khó hơn, không thể làm ào ào được. Yêu cầu ở đây là phải ngăn chặn và đẩy lùi. Chúng ta mới ngăn chặn chứ vẫn chưa đẩy lùi.

Nguyên nhân dẫn tới việc xét xử các vụ án tham nhũng kéo dài, theo một số vị đại biểu Quốc hội là do ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở các địa phương chỉ mang tính hình thức?

Các ban này đang trong quá trình hình thành, nên chưa đầy đủ, chưa ổn định. Nên chưa thể đánh giá đầy đủ được. Nhưng nói chung, việc hình thành các ban chỉ đạo ở địa phương do Chủ tịch đứng đầu có lợi ở chỗ là Chủ tịch là người đứng đầu trong thực thi pháp luật ở địa phương nên có khả năng đánh giá và chỉ đạo tốt nhất.

Đồng thời, Chủ tịch cũng là người nắm giữ quyền hành và các nguồn lực, nên có thể huy động để thực thi tốt hơn.

Cũng cần phải nói, các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương cũng không can dự vào việc xử lý các vụ án. Ban chỉ kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo các vụ án này được xử lý đúng pháp luật. Chứ tuyệt đối không có cơ quan nào, kể cả ban chỉ đạo có thể can thiệp vào, bảo rằng vụ án này phải xử lý thế này, thế khác được. Tất cả các vụ án đều phải được xử lý theo pháp luật.

Theo ông, để công tác phòng chống tham nhũng ngày càng có hiệu quả hơn, cần phải khắc phục những hạn chế nào?

Qua kiểm tra tại các địa phương và các bộ, ngành cho thấy, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục.

Thứ nhất là, việc triển khai thực hiện Nghị quyết càng xuống cấp dưới thì càng sơ sài hơn, không có chiều sâu.

Thứ hai là, chương trình hành động có nơi nhầm lẫn, gộp lẫn giữa cấp ủy và chính quyền, nên tính khả thi kém.

Thứ ba là, việc tiến hành ra soát, phát hiện các vụ việc tham nhũng mới chỉ tập trung ở cấp tỉnh, chứ còn các tổ chức thì chưa được. Tổ chức nào cũng cần phải rà soát xem có tình trạng tham nhũng không, xử lý thế nào; nếu không có thì đề xuất những biện pháp quản lý ngăn chặn thế nào...

Thứ tư là, các giải pháp phòng ngừa càng xuống dưới càng mang tính sao chép. Ví dụ như nhiều nơi sao y nguyên quy chế ứng xử của công chức của Bộ Nội vụ, chứ không ban hành quy định cụ thể của mình. Nhận thức và thực hiện như vậy thì sai, chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết và Luật Phòng chống tham nhũng đã đề ra...