Không để lặp lại tình trạng tương tự dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy, khi "chia lửa" cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong phiên chất vấn chiều 5/6 tại Quốc hội
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy, khi "chia lửa" cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong phiên chất vấn chiều 5/6 tại Quốc hội.
Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, Nhà nước đã dành nhiều ngân sách và huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự phát triển nhanh chóng, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập, hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay chất lượng còn thấp, kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần phải giải quyết.
Phó thủ tướng nêu một số con số, như đường bộ có 295.000km nhưng chỉ mới có 977km cao tốc, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hệ thống đường sắt thì được xây dựng cách đây cả trăm năm rất cũ kỹ, lạc hậu, thiếu an toàn.
Hệ thống sân bay cảng biển đã có bước phát triển, nhưng tình trạng quá tải tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang gia tăng. Giao thông đường thuỷ nội địa chưa được khai thác hiệu quả.
Việc kết nối các loại hình giao thông với nhau cũng như kết nối với các khu vực kinh tế, đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ, Phó thủ tướng đánh giá.
Bất cập khác được Phó thủ tướng nêu là đầu tư phát triển hạ tầng các đô thị lớn còn chậm, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị đã ảnh hưởng đến ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…
Cơ cấu của các loại hình vận tải còn mất cân đối. Hệ thống đường sắt mới đáp ứng được 1,31% tổng lượng vận chuyển hàng hoá và 1,97% tổng lượng hành khách.
Phó thủ tướng cũng nhắc lại bức xúc của đại biểu về tình trạng quản lý đầu tư xây dựng các công trình ngành giao thông còn nhiều hạn chế yếu kém. Như, tình trạng tăng vốn, đội vốn ở những công trình trọng điểm, nhiều công trình chậm tiến độ, chất lượng công trình thấp...
Việc quản lý đầu tư vận hành khai thác các dự án BOT giao thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó còn nhiều lo ngại về lựa chọn nhà đầu tư kém năng lực. Công tác quản lý xe vận tải còn nhiều lúng túng, đặc biệt là với xe hợp đồng điện tử.
Tình trạng trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp cả trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hay hàng không.
Xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là phải khắc phục những hạn chế, yếu kém đại biểu đã nêu trong chất vấn, Phó thủ tướng nêu giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành giao thông đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, cũng như các dự án đang dở dang, các dự án đối tác công - tư. Đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam và sân bay Tân Sơn Nhất.
"Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên các nhà thầu trong nước đủ năng lực. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài phải là những nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, có uy tín được kiểm chứng. Không để xảy ra tình trạng đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông", Phó thủ tướng phát biểu.
Phó thủ tướng cũng nêu nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, sớm đưa vào vận hành thương mại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Liên quan đến những bất cập tại các dự án BOT giao thông, theo Phó thủ tướng cần tập trung giải quyết để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân. Kiên quyết không đầu tư các dự án mới tại các tuyến độc đạo.
Nêu nhiệm vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 - 2030, Phó thủ tướng cho biết dự kiến sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính.
Về đường bộ phải xây dựng được khoảng 3.000km đường cao tốc nâng tổng số đường cao tốc Việt Nam đến 2020 là 2.000km và 2030 là 5000km (trên quy hoạch là 6.500km).
Tập trung một số đoạn của tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Vinh, Tp.HCM-Nha Trang, Tp.HCM-Cần Thơ nếu có đủ điều kiện. Nếu không đủ nguồn lực, phải chuyển sang sau 2030.
Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2030 khoảng 1,5-2,0 triệu tỷ đồng (khoảng 70-90 tỷ USD). Trên cơ sở đó sẽ cân đối các nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động xã hội, Phó thủ tướng thông tin thêm.