Không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Chính phủ muốn đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, song Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng không nên cấm
Chính phủ muốn đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, song Uỷ ban Kinh tế cho rằng không nên cấm.
Tiếp tục phiên họp thứ 37, chiều 17/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Một trong những mục tiêu của việc sửa luật, theo Chính phủ là hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Cụ thể, lần sửa đổi này bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
12 ngành nghề được đề xuất bãi bỏ hồm: hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); nhượng quyền thương mại; kinh doanh logistic; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng.
6 ngành, nghề mới được bổ sung vào danh mục kinh doanh có điều kiện, bao gồm: kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu; đăng kiểm tàu cá; đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá và kinh doanh dịch vụ kiến trúc.
Với sự điều chỉnh như trên, dự thảo luật sẽ còn 236 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại điều 6 của Luật Đầu tư.
Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (khoản 1 điều 6 dự thảo Luật Đầu tư).
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc bãi bỏ phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014, có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định danh mục các chất ma túy, các hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm ban hành kèm theo luật vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ hai.
Về việc đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật,
Vì thế, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cơ bản tán thành việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì việc quy định điều kiện để kinh doanh các ngành, nghề này là không cần thiết, không phù hợp về mặt bản chất. Cơ quan thẩm tra cũng thống nhất với việc sửa đổi một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phù hợp với Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); sửa đổi mang tính kỹ thuật đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để thống nhất với quy định mới của một số luật có liên quan.
Song, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là điều kiện đầu tư kinh doanh của các ngành, nghề bảo đảm thực sự tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư.