"Không thể bàng quan với 4 vấn đề nổi cộm của kinh tế Việt Nam"
"Những vấn đề nền tảng, dài hạn còn phải thảo luận nhiều, tuy nhiên cốt lõi nhất vẫn nằm ở cơ cấu và cơ chế"
Trăn trở, suy ngẫm về những vấn đề mang tính nền tảng, là nút thắt trong quá trình chuyển mình của kinh tế Việt Nam, cuối cùng, TS Trần Đình Thiên đã đúc kết và chỉ rõ 4 yếu tố mang tính dài hạn mà Việt Nam cần phải quan tâm, thay đổi.
Diễn thuyết tại một hội thảo về tăng trưởng kinh tế do Viện Kế toán công chứng Anh (ICAEW) tổ chức trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề cập đến rất nhiều vấn đề, từ cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng GDP, ngân sách, đầu tư công cho đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thể trạng doanh nghiệp, bộ máy, biên chế...
Suy ngẫm nhiều, trăn trở không ít nhưng đúc kết lại là 4 vấn đề nổi cộm nhất, mang tính nền tảng, dài hạn của kinh tế Việt Nam mà ông Thiên cho rằng không thể bàng quan, cũng không thể không bàn luận đến.
Thứ nhất, cơ cấu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua chưa thay đổi căn bản. Mặc dù năm 2017, đã có sự dịch chuyển cơ cấu tăng trưởng theo ngành, từ khai thác tài nguyên chuyển sang phát triển công nghiệp chế tạo, dịch vụ, song vẫn chưa đậm nét và chưa đạt được nhiều thành tựu. Chất lượng tăng trưởng vẫn còn rất thấp và chưa thực sự ổn định, bền vững.
"Để thay đổi được cơ cấu tăng trưởng thì phải tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta đã đạt ra vấn đề này từ nhiều năm trước, song cách làm không đúng, cho nên phải thay cách làm cũ bằng cách làm mới. Phải căn cứ vào các cam kết hội nhập cao nhất như CPTPP, VEFTA... để thay đổi cấu trúc thể chế và phát triển năng lực cho nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đổi mới chỉ theo logic thay cũ là không đủ. Thời đại biến đổi nhanh nên đòi hỏi những động lực cũng phải mới và phải nhanh, ví dụ như kết nối số, tự động hóa, kinh tế chia sẻ, thanh toán trực tuyến...", ông Thiên nói.
TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, phải chấp nhận trả giá chuyển đổi, phải chú trọng xây dựng hệ thống thể chế và phát triển công nghệ phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn hệ thống.
Vấn đề nền tảng thứ hai là về doanh nghiệp. Tổng thể doanh nghiệp Việt Nam hiện nay năng lực yếu, sức cạnh tranh yếu, kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân nội địa.
Theo đó, tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 27-28% GDP, khu vực kinh tế hộ gia đình có quy mô rất nhỏ nhưng lại là khu vực sản xuất chiếm nhiều GDP nhất, khoảng 32% GDP. Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp 18% GDP, còn khu vực tư nhân chỉ 8% GDP.
"Điều này cho thấy khối doanh nghiệp quan trọng nhất thì lại đóng góp ít nhất", ông Thiên nói.
Doanh nghiệp tư nhân tuy có lớn lên nhưng chậm, khó, không muốn lớn, yếu và không thể thành lực lượng. Khối doanh nghiệp tư nhân vẫn còn mang xu hướng đầu cơ, lệ thuộc, ít cạnh tranh, dẫn đến tinh thần doanh nghiệp yếu, xin cho, dựa dẫm, với động cơ là để kiếm sống, kiếm chác chứ không phải là động cơ làm giàu, chinh phục. "Nếu không cải thiện điều này thì hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng", ông nhận định.
Để thay đổi được điều này thì phải làm lại chiến lược phát triển kinh tế dựa trên hai nền tảng. Thứ nhất là phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt, bằng cách thay đổi tư duy chiến lược FDI và doanh nghiệp nhà nước, thay vào đó là chiến lược doanh nghiệp tư nhân. Thứ hai là phải xây dựng lực lượng doanh nghiệp hiện đại.
Vấn đề mang tính chất nền tảng, dài hạn thứ ba là ở phía Chính phủ. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, bộ máy hiện nay cồng kềnh, mang nặng cơ chế xin cho, cùng với các "căn bệnh" về tiền lương, biên chế, họp hành, hệ thống trách nhiệm, hệ thống khuyến khích vẫn chưa giải quyết được.
Nói cụ thể hơn về vấn đề tiền lương, ông Thiên cho biết ngân sách hiện nay dành cho trả lương chiếm đến 60%, trả nợ 20-30% nên phần dành cho đầu tư công rất ít. "Đó là lý do vì sao mà các dự án BOT nhiều đến thế. Ngân sách không đủ nên phải kêu gọi tư nhân đầu tư, mà tư nhân làm thì giá cao, phải chấp nhận", ông nói.
Ngân sách vốn đã yếu lại phải nuôi bộ máy khổng lồ. Theo TS Trần Đình Thiên, hiện Việt Nam có gần 3 triệu công chức, viên chức đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy nhà nước, tương đương tỷ lệ 30,5 công chức/1.000 dân.
Con số này quá cao so với các nước trong khu vực như Indonesia là 17,64 công chức/1.000 dân; Philippines 13,03 và Singapore là 25,69 công chức/1.000 dân.
Cùng với đó, tổng số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách hiện nay lên tới 11 triệu người, chiếm 11,5% dân số. Điều này cũng đồng nghĩa, 93 triệu dân đang phải nuôi 11 triệu người, hay cứ 8,5 người dân thì phải nuôi một người.
Ông Thiên cũng cho rằng, mặc dù hiện nay các bộ, ngành đã tăng cường cắt giảm biên chế, nhưng điều này xuất phát từ thực trạng thiếu lương, ngân sách hạn hẹp chứ không xuất phát từ việc cá nhân không đáp ứng được công việc.
Cuối cùng là chất lượng nguồn nhân lực. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp. Nguyên nhân của việc này là do cấu trúc nền kinh tế Việt Nam những năm qua chỉ tập trung vào doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước với nguồn nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp. Cùng với đó, môi trường cạnh tranh không cao, Việt Nam cũng chưa nỗ lực chuẩn bị nhân lực phát triển các ngành công nghệ cao.
Giải pháp cho vấn đề này là phải thúc đẩy xu thế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh và thay đổi phần gốc là cấu trúc nền kinh tế, theo đó chú trọng đầu tư vào khối kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân là nền tảng để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt có trình độ cao.
"Những vấn đề nền tảng, dài hạn còn phải thảo luận nhiều, tuy nhiên cốt lõi nhất vẫn nằm ở cơ cấu và cơ chế", TS Trần Đình Thiên đúc kết.