10:51 23/04/2024

Không thể tăng giá cước 5G, nhà mạng Việt chỉ còn "cửa" cung cấp dịch vụ 5G kết hợp AI?

Thanh Minh

90% các nhà mạng trên thế giới không thể tăng giá cước 5G dù mức đầu tư cho 5G cao hơn gấp 4 lần so với 4G. Bởi vì, tăng giá sẽ khiến người dùng rời bỏ mạng ngay lập tức…

Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam triển khai lắp đặt hạ tầng 5G, chuẩn bị cung cấp dịch vụ 5G. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam triển khai lắp đặt hạ tầng 5G, chuẩn bị cung cấp dịch vụ 5G. Ảnh minh họa

Công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) được cho là mang đến sự chuyển đổi lớn trong cách thức cung cấp dịch vụ và trải nghiệm người dùng. Tuy vậy, theo các chuyên gia, không phải thị trường nào, nhà mạng nào cũng thành công với 5G. Đặc biệt, thành công còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Tại Việt Nam, các cuộc đấu giá băng tần 5G đã diễn ra và dự kiến 5G sẽ sớm được thương mại hóa. Liệu các nhà mạng Việt Nam có đạt kỳ vọng tăng trưởng doanh thu nhờ 5G trong bối cảnh doanh thu các dịch vụ viễn thông truyền thống đang sụt giảm?

90% CÁC NHÀ MẠNG TRÊN THẾ GIỚI KHÔNG THỂ TĂNG GIÁ CƯỚC 5G

Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), thuê bao di động của Việt Nam hiện đạt 126,15 triệu thuê bao, thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao, mạng di động 4G đã phủ sóng 99,8% dân số. Thuê bao băng rộng cố định đạt 22,48 triệu thuê bao, 79,1% hộ gia đình đã có kết nối cáp quang. Ước tính tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 139,26 nghìn tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023. 

Đáng chú ý, doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm qua gần như không tăng trưởng, và ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cũng phản ánh đúng xu hướng trên thế giới, là dịch vụ viễn thông truyền thống chạm ngưỡng bão hòa và không còn dư địa tăng trưởng, trong khi đó các không gian tăng trưởng mới như chuyển đổi số, dịch vụ số, IoT... của các doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chưa thể trở thành lực đỡ trong bức tranh doanh thu của doanh nghiệp viễn thông.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng Ban Chuyển đổi số, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, doanh thu chung của các nhà mạng trên thế giới đang suy giảm, trong đó đặc biệt là doanh thu thoại và SMS chỉ còn chiếm khoảng 8%, “còn với các nhà mạng Việt Nam, doanh thu thoại và SMS đang chiếm khoảng trên 20% và vì vậy, dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm”. 

Ông Huy cho biết trong thực tế, khi chuyển sang 5G các nhà mạng trên thế giới cũng gặp không ít khó khăn và không phải nhà mạng nào cũng thành công. Nguyên nhân chính là 90% các nhà mạng trên thế giới không thể tăng giá cước 5G dù mức đầu tư cho 5G cao hơn gấp 4 lần so với 4G.

“Lý do là vì việc tăng giá sẽ khiến người dùng rời bỏ mạng ngay lập tức, dẫn đến không thể tăng giá cước. Do đó, vấn đề khó khăn nhất của nhà mạng là phải tìm cách cải thiện ARPU - doanh thu trung bình trên mỗi người dùng”, đại diện MobiFone nói.

Trong khi đó, trở ngại lớn nhất trong nỗ lực tăng ARPU của nhà mạng đến từ phía người dùng. “Nếu nhu cầu của người dùng chỉ đến một mức độ nhất định thì nhà mạng không thể tăng ARPU”, ông Huy nói. “Ví dụ, khi xem bóng đá, người dùng chỉ cần chất lượng HD, không cần Full HD hay 4K, và điện thoại của họ cũng chưa hỗ trợ độ phân giải cao, do đó họ không có nhu cầu sử dụng dịch vụ 5G khi xem bóng đá”.

Chính vì những thực tế này, nên Trưởng Ban Chuyển đổi số của MobiFone cho rằng giải pháp là “cung cấp các dịch vụ 5G kết hợp AI cho các thị trường ngách”.

Chẳng hạn, một người bán hàng chỉ có thể livestream trong 8 giờ nhưng nếu sử dụng AI và người mẫu số, có thể livestream 24/7, từ đó làm tăng lượng dung lượng sử dụng 5G. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một ví dụ về 5G trong lĩnh vực B2C. Theo các chuyên gia, với 5G, câu chuyện không chỉ là B2C mà cốt lõi là B2B. Thay vì tập trung vào B2C, nơi nhu cầu của người dùng chỉ ở một mức độ nhất định, ARPU nhà mạng chỉ 2-3 USD, khó có thể tăng lên 7-8 USD, vì vậy việc khám phá những thị trường ngách B2B, kết hợp AI và 5G, sẽ tạo ra nhu cầu mới. 

5G VÀ AI SẼ LÀ “CẶP BÀI TRÙNG” THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG CHO NHÀ MẠNG?

Các nhà mạng viễn thông đều có chung quan điểm về sự sụt giảm của thị trường viễn thông truyền thống, cả về doanh thu và lợi nhuận. Họ kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường trong tương lai khi thiết lập hạ tầng mới và cung cấp dịch vụ mới. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã có giấy phép 5G và sẽ có giấy phép 5G sẽ bắt đầu thực hiện triển khai lắp đặt hạ tầng 5G và cung cấp dịch vụ 5G. 

Việt Nam cấp phép và thương mại hóa 5G vào thời điểm này không phải là đi đầu, nhưng cũng không quá trễ. Ảnh minh họa
Việt Nam cấp phép và thương mại hóa 5G vào thời điểm này không phải là đi đầu, nhưng cũng không quá trễ. Ảnh minh họa

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi của công nghệ thông tin di động qua 5 thế hệ. Mỗi thế hệ sau đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội theo một cách khác biệt so với những thế hệ công nghệ trước, dẫn dắt thị trường phát triển theo hướng đặc biệt.

Ngày xưa nói đến điện thoại là nói đến nhắn tin, đến dữ liệu. Nhưng bây giờ với 5G, người ta nói đến 2C, 2B và 2X. Đặc biệt, cái phát triển quan trọng của 5G không chỉ là công nghệ, là hạ tầng mà là dịch vụ.

“Việt Nam cấp phép và thương mại hóa 5G vào thời điểm này không phải là đi đầu, nhưng cũng không quá trễ. Hiện tại, chúng ta có điều kiện về hạ tầng và sự phát triển dịch vụ khá tốt để tiếp tục thúc đẩy dịch vụ 5G”, ông Đoàn Quang Hoan nói.

Theo ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc, Công Ty Cổ Phần Viễn Thông Asim, bức tranh kinh tế tổng thể cho thấy sẽ có rất nhiều cơ hội khi 5G phát triển. Theo ông Trí, các MVNO sẽ như cánh tay nối dài của các nhà mạng lớn để cung cấp các dịch vụ chuyên sâu và chăm sóc khách hàng trên những lĩnh vực cụ thể. 

MVNO (Mobile Virtual Network Operator) là mô hình mạng di động mà trong đó đơn vị cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà sẽ thuê của đơn vị khác. Theo ông Trí, nhà mạng lớn có hạ tầng, có độ phủ rộng hơn sẽ cung cấp phần hạ tầng, hỗ trợ về công nghệ, trong khi MVNO sẽ đi vào những ngách sâu hơn, cung cấp những dịch vụ cụ thể và chi tiết hơn.

Ví dụ như với xe công nghệ, khách hàng ngồi trên taxi công nghệ có thể sử dụng các dịch vụ data. Như vậy, người lái taxi có thể giới thiệu dịch vụ đến khách hàng, tạo ra một kênh bán hàng đặc thù. Trong trường hợp này, MVNO có thể đóng vai trò nghiên cứu sâu hơn để đặt quảng cáo, đào tạo tài xế và cung cấp dịch vụ qua kênh này. “Đây là một ví dụ cho thấy nếu một MVNO có lợi thế về taxi công nghệ, có thể giúp nhà mạng khai thác sâu hơn những kênh này”, ông Trí nói.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Yên, Thành viên Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, cho rằng không phải thị trường hay doanh nghiệp nào cũng thành công với 5G. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố riêng biệt của từng thị trường và công nghệ. Hơn nữa, ông Nguyễn Tuấn Huy của MobiFone cho biết đầu tư vào 2B đòi hỏi nguồn lực lớn, vì vậy cần thêm thời gian để các doanh nghiệp tiếp cận và thẩm thấu công nghệ 5G. 

“Một điểm khác tôi muốn nhấn mạnh là sự bùng nổ của AI trong năm 2023 vừa qua, dự kiến sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn trong các năm 2024 và 2025. Theo nhiều dự đoán, đến năm 2030, 80% công việc trên thế giới sẽ bị thay thế bởi AI. Vì vậy, tôi cho rằng 5G cần kết hợp với AI, các nhà mạng sẽ triển khai ứng dụng 5G cho AI trong các doanh nghiệp và những lĩnh vực có tiềm năng lớn để ứng dụng công nghệ này là du lịch và các ngành smart factory, smart port (cảng thông minh)...”, ông Nguyễn Tuấn Huy nói và cho biết MobiFone dự kiến triển khai 5G vào cuối năm 2024.