08:42 26/08/2022

Không “xoay” được khí đốt, thành phố Hà Lan muốn xin miễn khỏi lệnh trừng phạt Nga

An Huy

Cùng với đó, một báo cáo của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley đưa ra những cảnh báo u ám đối với châu Âu trong trường hợp bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thành phố The Hague của Hà Lan ngày 25/8 cho biết sẽ đề nghị được miễn trừ tạm thời khỏi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga. Lý do được thành phố đưa ra là không tìm được kịp thời nguồn khí đốt thay thế khí đốt do công ty quốc doanh Nga Gazprom cung cấp.

Một báo cáo của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley đưa ra những cảnh báo u ám đối với châu Âu trong trường hợp bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn.

Theo hãng tin Reuters, sự trừng phạt mà EU áp lên Nga sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine yêu cầu các chính phủ và cơ quan công quyền khác trong khu vực chấp dứt các hợp đồng hiện có với các công ty Nga trước ngày 10/10.

Đối với The Hague, điều này đồng nghĩa thành phố phải tìm một nhà cung cấp khí đốt mới để thay thế cho hợp đồng mà chính quyền thành phố đang có với Gazprom. The Hague cho biết đã mở thầu trên phạm vi toàn EU vào tháng 6 và tháng 7, nhưng không có nhà cung cấp nào chào bán khí đốt cho thành phố.

Bà Saskia Bruines, uỷ viên hội đồng thành phố, cho biết việc đàm phán riêng với các nhà cung cấp chắc chắn sẽ đi đến một thoả thuận, nhưng không thể trước ngày 10/10. “Chúng tôi sẽ đề nghị được miễn trừ khỏi các quy định hiện nay cho đến ngày 1/1/2023 để đảm bảo nguồn cung và tiến hành các cuộc đàm phán”, bà Bruines nói.

Bà uỷ viên cũng bày tỏ tin tưởng rằng nguyện vọng của thành phố sẽ được EU chấp nhận, bởi The Hague đã đáp ứng được điều kiện là tổ chức đấu thầu kịp thời nhưng không đạt kết quả. Dù vậy, bà nói thêm rằng bất kỳ hợp đồng mới nào có hiệu lực từ ngày 1/1 cũng sẽ có mức giá khí đốt đắt đỏ hơn nhiều so với thoả thuận mà thành phố hiện có với Gazprom.

The Hague là một trong nhiều thành phố của Hà Lan có hợp đồng mua khí đốt từ Gazprom, nhưng là thành phố đầu tiên cho biết sẽ đề nghị được miễn khỏi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Cân nhắc của The Hague được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu xoay sở để làm đầy dự trữ khí đốt trước khi bước vào những tháng mùa đông. Theo trang MarketWatch, lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu ước tính đã giảm khoảng 80% trong hai năm qua và khu vực này đang tính đến khả năng bị Nga cắt hẳn khí đốt trong mùa đông năm nay.

Trong một báo cáo của Mỹ Morgan Stanley được MarketWatch trích dẫn, các nhà phân tích dự báo lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu có thể giảm thêm 11% trong vòng 1 năm tính từ tháng 10 năm nay. Cũng theo báo cáo này, nguồn cung khí đốt từ các nhà cung cấp khác như Na Uy, Anh và Nam Phi hiện đã đạt mức tối đa. Báo cáo đặt câu hỏi liệu nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu có thể giảm đủ nhanh để phù hợp với nguồn cung ngày càng eo hẹp.

Nhóm phân tích của Morgan Stanley bày tỏ lo ngại về việc Gazprom vào tuần trước tuyên bố sẽ khoá đường ống Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày từ 31/8-2/9 để bảo trì trạm nén khí duy nhất còn hoạt động của đường ống là trạm Trent-60. Từ cuối tháng 7, lượng khí đốt mà Gazprom bơm cho châu Âu qua đường ống này chỉ còn 20% so với công suất của đường ống.

Theo Morgan Stanley, do các nước như Italy và Đức đã tích trữ được một lượng khí đốt đáng kể, tình hình mùa đông năm nay sẽ “kiểm soát được”, nhưng năm tới và năm sau đó có thể chứng kiến “mùa đông cực kỳ khó khăn”.

“Nếu dòng chảy khí đốt Nord Stream 1 giảm về 0, thì lượng khí đốt dự trữ cho mùa đông này là vấn đề vẫn có thể kiểm soát được”, báo cáo viết. “Tuy nhiên, nếu dòng chảy đó không phục hồi, thì sự suy giảm của lượng khí đốt dự trữ trong năm tới sẽ dẫn đến mùa đông cực kỳ khó khăn vào năm 2023 và 2024”.

Morgan Stanley cũng cảnh báo thời gian qua châu Âu đẩy mạnh được việc nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) chẳng qua là nhờ Trung Quốc đang nhập ít nhiên liệu này. Nếu Trung Quốc tăng nhập khẩu LNG trở lại khi nền kinh tế nước này hồi phục, “thị trường LNG có thể thắt chặt hơn nữa”.

Các chuyên gia của Morgan Staley cũng thừa nhận sự khó lường của nhu cầu. “Ảnh hưởng chính xác vẫn là điều khó đoán định, xét tới việc giá năng lượng đã đạt tới những mức chưa từng có tiền lệ”, báo cáo viết.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan tăng thêm 7%, lên mức 298 Euro/megawatt giờ, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 321%.