12:49 13/04/2021

Kích cầu mạnh tay, Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục

Bình Minh

Chính phủ Mỹ chứng kiến thâm hụt ngân sách hơn 1,7 nghìn tỷ USD trong nửa đầu tài khóa 2021

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill, Washington DC - Ảnh: Reuters.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill, Washington DC - Ảnh: Reuters.

Thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ tháng 3/2021 là 660 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy của tháng này hàng năm, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden bắt đầu giải ngân gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD.

Báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/4 cũng cho thấy thâm hụt ngân sách của Chính phủ liên bang nước này trong 6 tháng đầu tiên của tài khóa 2021 là 1,706 nghìn tỷ USD - một con số kỷ lục và tăng gấp gần 130% so với mức thâm hụt 743 tỷ USD cùng kỳ tài khóa trước.

Khoản thâm hụt của tháng 3/2021 tăng 454% so với cùng kỳ năm trước, và là mức thâm hụt ngân sách tháng lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ, chỉ đứng sau khoản thâm hụt 864 tỷ USD vào tháng 6/2020 và 927 tỷ USD vào tháng 4/2020.

Trong tháng 3, Chính phủ Mỹ thu ngân sách 268 tỷ USD, tăng 13%, nhưng chi tới 927 tỷ USD, tăng 161%.

Trong đó, Washington đã chi 339 tỷ USD từ gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD để phát séc trực tiếp 1.400 USD mỗi người cho phần lớn người dân Mỹ. Gói kích cầu khổng lồ này sẽ tiếp tục giải ngân trong những tháng tiếp theo, nên dự kiến thâm hụt ngân sách Mỹ tiếp tục ở mức cao.

Trong 6 tháng đầu năm tài khóa, Chính phủ Mỹ chi 3,41 nghìn tỷ USD và thu ngân sách 1,704 nghìn tỷ USD. Tổng chi để hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong 6 tháng là 487 tỷ USD, trong đó có cả tiền hỗ trợ thuộc phạm vi gói kích cầu gần 900 tỷ USD của Tổng thống Donald Trump mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn hồi cuối năm ngoái.

Thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia đang là vấn đề trung tâm trong cuộc thảo luận về gói chi tiêu lớn tiếp theo của ông Biden - một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD.

Nỗ lực kích cầu của Chính phủ Mỹ đã tạo ra sự hỗ trợ quan trọng để nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi phục từ cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, việc kích cầu mạnh tay cũng đẩy nợ chính phủ Mỹ lên mức cao chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai nếu xét đến tương quan với tổng sản phẩm trong nước (GDP). Thu ngân sách từ thuế doanh nghiệp suy giảm cũng khiến thâm hụt ngân sách giãn rộng thêm.

Thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia đang là vấn đề trung tâm trong cuộc thảo luận về gói chi tiêu lớn tiếp theo của ông Biden - một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách chính phủ liên bang trong tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2021 sẽ là 2,3 nghìn tỷ USD, giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD so với tài khóa trước nhưng cao hơn dự báo đưa ra vào tháng 9 năm ngoái.

Từ trước khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD, CBO đã dự báo nợ chính phủ Mỹ lên tới 102% GDP trong năm nay, phá vỡ những kỷ lục cũ thiết lập vào năm 1945 và 1946. CBO cũng cho rằng đến năm 2051, nợ chính phủ Mỹ sẽ tăng gấp đôi từ mức hiện nay lên 202% GDP do chi phí y tế và tiền trả lãi gia tăng.

CBO dự báo mức thấp hụt ngân sách Mỹ vào năm 2051 sẽ là 13,3% GDP, từ mức 5,7% vào năm 2031.

Một thuận lợi cho việc vay nợ ồ ạt của Chính phủ Mỹ hiện nay là lãi suất siêu thấp. Dù Washington vay nợ thêm 4 nghìn tỷ USD trong năm ngoái, tăng 25% so với năm trước đó, tiền trả lãi đã giảm 8%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm tới mức 0,52% trong mùa hè năm ngoái, và hiện đã tăng lên vùng 1,7% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của những năm gần đây.