Kiến nghị "cao su" tăng vốn cho "Big 4" ngân hàng Việt
Một lần nữa kiến nghị Nhà nước tham gia tăng vốn cho 4 ngân hàng lớn kéo dài sang năm thứ ba
Ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Một lần nữa, kiến nghị tăng vốn cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn được đưa ra.
Ba năm qua, hầu hết các hội nghị sơ kết, tổng kết hoạt động ngành ngân hàng đều đặt ra yêu cầu tăng vốn điều lệ cho khối ngân hàng thương mại nhà nước lớn, gồm Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) và Ngân hàng Công thương (VietinBank).
Nhóm này, hay thường được gọi là "Big 4" của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, đã có Vietcombank, BIDV và VietinBank cổ phần hóa, nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối lớn.
Kiến nghị tăng vốn điều lệ ở nhóm này bắt đầu nóng lên đầu năm 2016, sau khi một số thành viên tổ chức đại hội đồng cổ đông với kế hoạch dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Tuy nhiên, kế hoạch dự kiến đó không được Bộ Tài chính chấp thuận. VietinBank và BIDV có các kiến nghị, đề xuất, thậm chí BIDV còn xây dựng hẳn một bản báo cáo chi tiết và nêu tính bức thiết của yêu cầu tăng vốn giữa năm 2016. Xen vào đó, nhiều cuộc họp bàn giữa các đối mối quản lý kéo dài. Và cho đến tận cuối 2016 cả hai ngân hàng này phải chấp nhận lần lượt trả cổ tức bằng tiền mặt.
Sang năm 2017, chính sách và kế hoạch trả cổ tức của những ngân hàng trên gọn và không có lựa chọn: tiếp tục trả bằng tiền mặt để nộp về ngân sách Nhà nước, thay vì nhu cầu giữ lại bằng trả bằng cổ phiếu để tăng vốn.
2017 cũng là năm Quốc hội ra nghị quyết, trong đó chốt lại không dùng ngân sách để đầu tư vào các ngân hàng thương mại. Đây là nghị quyết sử dụng ngân sách trung hạn, theo đó năm 2018 việc bố trí nguồn để tăng vốn cho "Big 4" không nằm trong cơ cấu.
Tại hội nghị ngày 28/8, một lần nữa, cả phía Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo thành viên liên quan tiếp tục kiến nghị bố trí ngân sách để tăng vốn cho nhóm trên. Hướng kiến nghị là trình Quốc hội điều chỉnh nghị quyết trên, bố trí nguồn, vì yêu cầu đã trở nên cấp bách.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng xác định đây là yêu cầu cần xử lý trong năm nay.
Tuy nhiên, trong năm 2017, hy vọng được bố trí nguồn tăng vốn cho "Big 4" từng được thắp lên qua Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", mà trong đó nhấn mạnh Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước phối hợp cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại này. Nhưng từ đó đến nay chưa có chuyển động nào mới được cập nhật.
Lần này, tiến độ và triển vọng phải chờ kết quả tại kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc cuối tháng 10 tới, nếu Chính phủ có tờ trình về điều chỉnh nghị quyết và bố trí ngân sách nói trên.
Trong khi đó, sau ba năm kéo dài kiến nghị tăng vốn không có kết quả, các thành viên "Big 4" lần lượt có các giải pháp để tự xử lý yêu cầu tăng vốn điều lệ.
Vietcombank và BIDV tìm đến kênh gọi vốn qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng hai năm qua hướng đi này đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo tìm hiểu của VnEconomy, hiện mới chỉ Vietcombank được phê duyệt phương án bán vốn, còn BIDV vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
Tại hội nghị ngày 28/8, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, hướng đi bán cổ phần tăng vốn nói trên hiện gặp khó khăn, do cơ chế quy định về giá bán không thấp hơn giá qua định giá và giá trên thị trường; mặt khác, do bán lô lớn và nhà đầu tư bị khống chế chuyển nhượng trong một năm nên khó thu hút nhà đầu tư.
Trong khi cả hai hướng tăng vốn nói trên đã "cao su" ba năm qua mà chưa có kết quả, nhóm "Big 4" đều đã phải lần lượt sử dụng giải pháp ngắn hạn bằng vay mượn, qua các đợt phát hành trái phiếu dài hạn lãi suất cao để kê vốn tạm thời, tránh vi phạm các quy định an toàn trong hoạt động.
Hiện "Big 4" đang chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng. Sau ba năm kéo dài nhu cầu cấp bách, vốn điều lệ vẫn không tăng được (ngoại trừ Vietcombank được thực hiện chính sách chia thưởng cổ phiếu năm trước), các giới hạn phát triển của nhóm này đang cạn.
Trong khi đó, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP cao trong khu vực, mà nền kinh tế đang có truyền thống sử dụng đòn bẩy tín dụng cao.
Theo cập nhật từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại một hội nghị trung tuần tháng 8 này, tỷ lệ tín dụng hiện đã lên tới khoảng 130% GDP.
Còn theo phát biểu của một đại diện lãnh đạo khối "Big 4" tại hội nghị ngày 28/8, với sức rướn tín dụng những năm qua và hiện nay, nếu tính theo chuẩn mực Baseal 2, các thành viên trong khối có nguy cơ không đảm bảo được hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) - tấm đệm mà mỏng nếu ngã thì đau.