15:36 27/04/2018

Kiến nghị phương án Nhà nước mua lại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới giá 2.775 tỷ

KIỀU LINH

Liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc kiến nghị hai phương án giải cứu BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

Kiến nghị Nhà nước mua lại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới giá 2.775 tỷ đồng.
Kiến nghị Nhà nước mua lại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới giá 2.775 tỷ đồng.

Theo liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc, sau ba tháng thu phí, tổng doanh thu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Km72 930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đạt 6,68 tỷ đồng. Doanh thu thực tế trung bình một ngày đạt 74,3 triệu đồng, bằng 12,5% so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT (594,48 triệu đồng/ngày).

Đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết, với việc chỉ thực hiện thu giá một trạm tại Km72 930 tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới chắc chắn phá vỡ phương án tài chính của dự án do nguồn thu thực tế quá ít so với dự kiến. Điều này làm cho doanh nghiệp dự án gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ cho ngân hàng cung cấp tín dụng cũng như khả năng duy trì dự án hoạt động bình thường, nguy cơ doanh nghiệp dự án không còn khả năng thanh toán dẫn đến bị phá sản là hiện hữu.

Trong khi đó, kể từ ngày công trình đưa vào khai thác ngày 18/5/2017) đến ngày 25/4/2018, doanh nghiệp dự án đã phải chi trả 219,2 tỷ đồng, gồm: Trả lãi vay ngân hàng 183,1 tỷ đồng, trả nợ gốc cho ngân hàng 26 tỷ đồng, chi phí duy tu, bảo trì 3,3 tỷ đồng, chi nộp thuế giá trị gia tăng 607 triệu đồng…

Để đảm bảo hoàn vốn cho dự án, nhà đầu tư kiến nghị hai phương án cho BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. 

Thứ nhất, Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp để doanh nghiệp dự án được thực hiện thu thêm giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm Km77 922,5 quốc lộ 3 như thỏa thuận tại hợp đồng dự án đã ký, thời gian thu giá tại trạm Km77 922,5 quốc lộ 3 bắt đầu từ tháng 5/2018, có thực hiện giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo phương án nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thống nhất với địa phương.

Thứ hai, Nhà nước trưng mua lại dự án với giá trị khoảng 2.775 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), dự kiến chi trả một lần trong tháng 1/2019. Giá trị này bao gồm: Tổng chi phí đầu tư thực tế, lãi vay ngân hàng, lợi nhuận của nhà đầu tư sau thời gian xây dựng, chi phí hoạt động của doanh nghiệp dự án,…

Dự án xây mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới dài gần 40 km và nâng cấp, mở rộng 25 km quốc lộ 3 đoạn km75 đến km100 theo hình thức BOT do Liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc thực hiện, tổng mức đầu tư ban đầu 2.744 tỷ đồng.

Để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất phương án đặt một trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm thu phí tại km 77 922,5 quốc lộ 3 cũ song song với đường Thái Nguyên - Chợ Mới như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, sau một thời gian người dân tập trung phản đối vị trí trạm thu phí trên quốc lộ 3 cũ nên tháng 11/2017 UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải dỡ trạm thu phí trên quốc lộ 3 và có phương án hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải chưa có một quyết định cuối cùng nào về việc có tiếp tục thu phí không trên quốc lộ 3 hay bỏ tiền ra mua lại các tuyến đường BOT cải tạo, nâng cấp đã hoàn thiện? Nếu tiếp tục thu phí thì trái với Nghị quyết 437 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành. Còn không thu phí sẽ đẩy các nhà đầu tư vào tình trạng vỡ phương án tài chính. Trong khi đó, nguồn lực ngân sách chi để mua lại các tuyến đường này khó khăn.

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, trong kinh tế, việc đầu tư sai lầm vẫn có thể xảy ra, và người nào ra quyết định đầu tư thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Ở đây, hợp đồng BOT nào được ký giữa Nhà nước và chủ đầu tư, mà không tham vấn ý kiến người dân, nên Nhà nước và chủ đầu tư phải cùng nhau chịu trách nhiệm, chứ không thể bắt người dân phải gánh chịu.

"Cách tốt nhất là Nhà nước và chủ đầu tư nên thừa nhận điều này, và ngồi lại với nhau để phân chia tổn thất do đã đầu tư sai lầm", ông Đức nói.