09:00 01/11/2019

Kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm 22,3%

CHU KHÔI

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê năm nay vẫn tiếp tục suy giảm cả về lượng và giá trị

Mới đây, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu cà phê lên mức 6 tỷ USD vào năm 2030. Trong bối cảnh xuất khẩu cà phê trồi sụt suốt 5 năm qua, mãi không thoát được ngưỡng 3 tỷ USD, lại đang bị các đối thủ đe dọa chiếm thị phần, thì tham vọng nâng kim ngạch lên gấp đôi liệu có dễ đạt được? 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê năm nay vẫn tiếp tục suy giảm cả về lượng và giá trị. Kết quả 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 22,3% (lượng giảm 14,6%) so với cùng kỳ năm trước. 

Niên vụ 2018/2019 giảm 15%

Mỗi niên vụ cà phê được tính từ tháng 10 năm trước (thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ mới) đến hết tháng 9 năm sau. Tính chung cả niên vụ cà phê 2018/2019 vừa kết thúc, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 1.697.102 tấn, giảm 5,42% so với lượng xuất khẩu của niên vụ cà phê 2017/2018 trước đó. Về kim ngạch, xuất khẩu niên vụ 2018/2019 đạt 2,96 tỷ USD, giảm 15,05% so với niên vụ trước. 

Hiện cà phê là ngành hàng nông sản quan trọng. Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê robusta, có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil). 

Đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ). EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch...

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê rất bấp bênh trong những năm gần đây, và dự kiến năm nay sẽ mất mốc 3 tỷ USD. Trong khi đó, nhiều nước "đối thủ" đang "đe dọa" chiếm thị phần cà phê xuất khẩu của Việt Nam. 

Tờ báo Tiếng Vang của Pháp trong số báo ra ngày 22/10/2019 đã viết rằng: từ vài tháng nay, cà phê robusta từ Brazil được nhập khẩu ồ ạt vào châu Âu. Đây là một hiện tượng bất thường và rất có thể Brazil sẽ sớm soán ngôi vị quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới mà Việt Nam đang nắm giữ. Bài báo giải thích, "Brazil đang đẩy mạnh xuất khẩu dòng cà phê robusta conillon có giá rẻ hơn nhiều trên thị trường thế giới so với cà phê robusta của Việt Nam". 

Không chỉ có Brazil, Indonesia cũng đang lao vào cuộc đua và có thể tăng sản lượng robusta lên hơn gấp rưỡi trong vòng 5 năm tới... Việc nhiều nước tăng sản lượng cà phê robusta đã khiến loại cà phê này liên tục rớt giá. Trên thị trường thế giới thời gian gần đây, giá cà phê robusta có thời điểm đã chạm đáy từ 9 năm trở lại đây. Ngày 21/10/2019, một tấn cà phê robusta chỉ còn 1.209 USD trong khi đã có lúc bán được với giá 2.600 USD.

Vẫn có tham vọng lớn

Trong bối cảnh xuất khẩu cà phê đang vô cùng ảm đạm, thì mới đây Bộ Công Thương công bố bản chiến lược mới cho ngành cà phê, đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê lên 6 tỷ USD, tức là cao gấp đôi so với hiện nay. 

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp băn khoăn, trong bối cảnh ngành cà phê liên tục bị đối thủ chiếm mất thị phần, thì mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu cao như vậy có dễ thực hiện? Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp nào để đưa "tham vọng" này trở thành hiện thực?

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm giai đoạn 2011 - 2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước. Trong thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư vào chế biến sâu nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. 

Để đạt mục tiêu trên, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể: đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. 

Riêng xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần chú trọng tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương định hướng cũng như của các bộ, ngành. 

Tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường (nhu cầu, chủng loại, quy cách, mẫu mã, cung cầu, giá cả, các chính sách quản lý xuất nhập khẩu và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...) đối với mặt hàng cà phê, từ đó tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu để cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp và người dân nhằm phối hợp tổ chức sản xuất đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng tín hiệu của thị trường...