08:57 21/10/2010

Kinh tế 24h qua: Đồng thuận và cất cánh

Vinh Nguyễn

Hãng sản xuất máy bay Boeing công bố lợi nhuận ròng quý 3 đạt 837 triệu USD, từ mức thua lỗ 1,56 tỷ USD cùng kỳ năm trước

Lợi nhuận của Boeing tăng vọt.
Lợi nhuận của Boeing tăng vọt.
Hãng sản xuất máy bay Boeing công bố lợi nhuận ròng quý 3/2010 đạt 837 triệu USD, từ mức thua lỗ 1,56 tỷ USD, tương đương âm 2,23 USD/cổ phiếu, cùng kỳ năm trước.

Doanh thu quý 3 của Boeing tăng 1,7% lên 17 tỷ USD, cao hơn dự báo 16,8 tỷ USD của các chuyên gia. Hãng bán thêm được máy bay Boeing 737 và máy bay Boeing 777.

Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới cũng dự báo, lợi nhuận cả năm sẽ hơn gấp 2 lần đạt 4 USD/cổ phiếu, tăng 20 cent so với mức dự báo trước đó. Cổ phiếu của Boeing tăng 3,4% trong phiên giao dịch chứng khoán Mỹ ngày 20/10 và góp phần lớn vào đà phục hồi của chí số công nghiệp Dow Jones.

Ngân hàng Wells Fargo cũng công bố lãi 3,15 tỷ USD (tương đương 60 cent/cp) trong quý 3, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt dự báo của giới phân tích. Doanh thu của ngân hàng này đạt 20.9 tỷ USD, khớp với kỳ vọng thị trường.

Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ dự báo, số tiền bảo hiểm cho các ngân hàng của Mỹ bị sụp đổ trong giai đoạn từ năm 2010-2014 sẽ lên tới 52 tỷ USD, ít hơn khoảng 8 tỷ USD so với dự báo trước đó.

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nặng nề từ cuối năm 2007, từ đầu năm đến nay, Mỹ đã có 132 ngân hàng phải đóng cửa, so với 140 ngân hàng trong cả năm 2009 và 25 ngân hàng trong năm 2008. Đến cuối quý 2/2010, sự đổ vỡ của các ngân hàng đã làm cho quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang bị âm 15,2 tỷ USD.

FDIC cho biết sở dĩ cơ quan này đưa ra dự báo thấp hơn trước đó là do sự hồi phục của nền kinh tế, làm số ngân hàng bị sụp đổ có thể ít hơn và các khoản lỗ mà quỹ bảo hiểm phải gánh chịu cũng thấp hơn.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát kinh tế các vùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kinh tế nước này tăng trưởng với mức độ khiêm tốn, hoạt động kinh doanh tại 7/12 bang tăng trưởng vừa phải, trong khi suy yếu ở hai bang Dallas và Atlanta.

Sau nhiều tháng tranh cãi, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí siết chặt việc giám sát các quỹ đầu cơ. Theo thỏa thuận, các quỹ đầu cơ và các quỹ đầu tư tư nhân khác trong EU lần đầu tiên sẽ phải tuân thủ các quy định chung của tổ chức này (trước đây, các quỹ này chỉ theo quy định của mỗi nước thành viên).

Thỏa thuận đặt ra những yêu cầu về quản lý nguy cơ rủi ro, công khai hóa danh tính cá nhân hoặc tổ chức điều hành các quỹ đầu cơ, lượng vốn tối thiểu và mức độ vốn đệm. Đặc biệt, thỏa thuận sẽ cho ra đời một loại "hộ chiếu" châu Âu, theo đó, một quỹ đầu cơ được cấp phép hoạt động ở một nước thành viên EU sẽ được quyền tiếp cận các nhà đầu tư ở tất cả các nước thành viên EU còn lại.

Thời hạn áp dụng loại hộ chiếu này dự kiến vào năm 2013 đối với các quỹ đầu cơ đóng trụ sở trong EU và vào năm 2015 đối với các quỹ đóng trụ sở ngoài EU. Ủy viên châu Âu phụ trách các Dịch vụ Tài chính Michel Barnier cho biết các quy định nghiêm ngặt và rõ ràng tăng cường sự minh bạch trên thị trường đầu cơ nhằm đảm bảo sự công bằng giữa thị trường này với các thị trường khác.

Liên quan tới cải cách tiền tệ, các nhà lãnh đạo Đức và Nga đã ủng hộ kế hoạch cải cách hệ thống tiền tệ toàn cầu theo đề nghị của Pháp với Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul (Hàn Quốc) tháng 11/2010.

Pháp xác nhận 3 vấn đề ưu tiên khi nước này là chủ tịch luân phiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul là cải cách hệ thống tiền tệ toàn cầu, giải quyết vấn đề của thị trường hàng hóa và những biến động, tăng cường quản trị toàn cầu.

Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho biết chọn chủ đề khung tiền tệ trong tương lai là chính xác, Đức ủng hộ Pháp mạnh mẽ. Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev cũng cam kết ủng hộ kế hoạch cải cách hệ thống tiền tệ của Pháp và nói G20 cần có biện pháp quyết đoán trong vấn đề này.

Bà Angela Merkel, ông Dmitry Medvedev và Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy đều cho rằng vấn đề tiền tệ và tỷ giá hối đoái rất quan trọng với kinh tế toàn cầu, việc các nước phá giá tiền tệ có thể dẫn đến nguy cơ về chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Ông Medvedev cho biết thêm, G20 sẽ thảo luận về tiền tệ dự trữ và tạo ra một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Về vấn đề chi tiêu công, theo hãng tin BBC, Bộ trưởng Tài chính Anh, ông George Osborne, vừa công bố các chi tiết chương trình cắt giảm chi tiêu công lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Theo kế hoạch này, ngân sách của các ban, bộ của Chính phủ Anh cắt giảm ở mức 24%. Toàn bộ ngân sách mới trong 4 năm tới là 679 tỷ bảng cho tất cả bộ ngành của bộ máy công quyền.

Khoảng 490.000 công ăn việc làm ở khu vực công có thể bị cắt giảm từ nay đến năm 2015, tiết kiệm thêm 7 tỷ bảng Anh dành cho chi phí cho phúc lợi. Tuổi về hưu tăng từ 65 lên 66 vào năm 2020. Mỗi cơ quan chính phủ vào tháng tới sẽ công bố một kế hoạch cải cách hoạt động trong 4 năm tiếp theo. Chính phủ cũng sẽ cắt giảm 6 tỷ bảng tiết kiệm từ các bộ và văn phòng chính phủ - gấp đôi con số 3 tỷ bảng Anh đã hứa trước đó.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong năm nay tăng 3,1%, đứng thứ 3 trong tổng số 33 nước phát triển. Báo cáo dự đoán, giá tiêu dùng của Hàn Quốc năm 2011 có thể sẽ tăng lên đến 3,4%.

Theo báo cáo, từ năm 2012 đến năm 2015, biên độ tăng trung bình của giá tiêu dùng Hàn Quốc sẽ đạt 3,0%, đứng vị trí đầu tiên trong tổng 33 nước phát triển. Trong vài năm tới, tỷ lệ tăng trưởng giá tiêu dùng của một số nước phát triển sẽ duy trì mức 1,5% đến 2,5%. Việc tăng trưởng vật giá mạnh có thể trở thành trở ngại lớn nhất trong việc thực hiện các chính sách của chính phủ Hàn Quốc.

Báo cáo cho hay, trong vài năm nữa, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ giảm xuống dưới 5% và chuẩn bị rơi vào thời kỳ tăng trưởng thấp. Ngoài ra, báo cáo dự đoán, GDP bình quân của Hàn Quốc sẽ đạt 20.164 USD, xếp thứ 29 trong danh sách 33 nước phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2015, GDP bình quân của Hàn Quốc dự báo chỉ tăng đến 27.060 USD, vẫn duy trì vị trí trong danh mục các nước phát triển.

Trong khi, theo thông tin từ ông Li Yizhong, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), sản lượng công nghiệp 9 tháng đầu năm của Trung Quốc tăng 16,3% và cả năm có thể tăng hơn 13%.

Dự kiến, hôm nay (21/10), Trung Quốc sẽ công bố sản lượng công nghiệp tháng 9, GDP và một loạt số liệu kinh tế như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và doanh số bán lẻ. Các nhà kinh tế dự báo GDP quý 3 tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 10.3% trong quý 2. Còn theo khảo sát của Bloomberg, CPI tháng 9 có thể tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong gần 2 năm qua.