07:51 19/04/2011

Kinh tế 24h qua: Nước Mỹ “mất điểm”

Diệp Anh

Việc tổ chức định mức tín nhiệm S&P hạ triển vọng nợ của Mỹ xuống tiêu cực, đã tác động mạnh tới các thị trường hàng hóa

Nợ công của Mỹ đang tăng mạnh trong khi chưa có giải pháp lâu dài.
Nợ công của Mỹ đang tăng mạnh trong khi chưa có giải pháp lâu dài.
Tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hôm qua (18/4) đã hạ triển vọng nợ của Chính phủ Mỹ từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực", xuất phát từ lý do thâm hụt tài chính và nợ công của Washington ngày càng lộ rõ trong khi chưa có giải pháp toàn vẹn cho những vấn đề này.
 
S&P bày tỏ sự lo lắng về việc lưỡng Đảng trong Quốc hội Mỹ không thể thống nhất về các biện pháp cắt giảm khoản thâm hụt đã lên tới gần 1.500 tỷ USD của quốc gia này. Tuy nhiên S&P cũng cho rằng, Mỹ còn tới năm 2013 để đưa ra một kế hoạch tin cậy giải quyết các vấn đề tài chính của nước này.
 
Bộ Tài chính Mỹ ngay lập tức phản ứng lại động thái của S&P và cho rằng, tổ chức định mức tín nhiệm này đã đánh giá thấp khả năng giải quyết vấn đề nợ quốc gia của Mỹ. Dẫu vậy, tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ không ngăn chặn được đà suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán nước này và dầu thô quốc tế.

Các sàn chứng khoán Mỹ giảm hơn 1%, trong khi khu vực chứng khoán châu Âu trượt hơn 2% trong phiên giao dịch đêm qua. Trên thị trường dầu thô quốc tế, nỗi lo nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh sau động thái của S&P cũng kéo giá mặt hàng này trượt hơn 2%. Trong khi, giá vàng bị đẩy lên mốc cao kỷ lục mới.

Trên thực tế, vấn đề tranh cãi ở nước Mỹ cũng là chủ đề nhận được nhiều ý kiến trong dư luận hiện nay. Mới đây, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN, Chủ tịch tập đoàn PepsiCo, bà Indra Nooyi, cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần chấm dứt tranh cãi tại Quốc hội.

Nữ doanh nhân này cho rằng, lưỡng Đảng cần cùng soạn thảo một kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể trong dài hạn nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế đầu tàu thế giới. Việc tái công nghiệp hóa nền kinh tế Mỹ không phải là vấn đề riêng của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ mà đó là vấn đề chung nước Mỹ.

Vì thế, các nghị sỹ của hai chính đảng cần dẹp bỏ những bất đồng để cùng bàn thảo về các chính sách phát triển tổng thể cho những thập kỷ tới với sự cố vấn của các chuyên gia hàng đầu, từng lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ.

Bà cũng thừa nhận, việc xây dựng một kế hoạch như vậy có thể mất nhiều năm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch PepsiCo, những biện pháp ngắn hạn hiện nay như giảm thuế cho các công ty con có thể giúp tạo thêm nhiều việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển trong nước.

Trong một diễn biến khác, cuối tuần trước, trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner khẳng định, Quốc hội nước này sẽ nâng trần nợ đồng thời cảnh báo các hậu quả khó lường nếu điều này không được thực hiện.

Bộ trưởng Geithner chỉ ra các hậu quả nghiêm trọng nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ, bao gồm ngừng thanh toán cho những người cao tuổi thông qua các chương trình chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ y tế và an sinh xã hội như trước kia; ngừng thanh toán trợ cấp cho các cựu chiến binh.

"Hơn nữa, chúng tôi phải ngừng thanh toán cho tất cả các công việc khác mà Chính phủ thực hiện. Nghiêm trọng hơn, chúng tôi có thể vỡ nợ và đẩy nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu trở lại suy thoái”, ông Geithner phát biểu.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia được tờ Business Line dẫn lời, trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển nhanh sang châu Á. Theo ông này, sự nổi lên của Trung Quốc và rất có thể cả Ấn Độ, sẽ làm biến đổi nền kinh tế thế giới.

Quan chức trên cho hay, trong 20 năm kể từ năm 1990, đóng góp của Mỹ đối với GDP thế giới giảm từ 25% xuống 20% và châu Âu cũng vậy. Trong khi, đóng góp của châu Á đối với GDP toàn cầu tăng từ 25% lên 33%, dẫn đầu là Trung Quốc.

Các quốc gia châu Á khác cũng cho thấy sự tăng trưởng vững chắc trong hai thập kỷ qua và mối quan hệ thương mại giữa các nước trong khu vực đang phát triển so với các mối quan hệ với châu Âu và Mỹ.

"Không chỉ trung tâm hấp dẫn hoạt động kinh tế đang chuyển sang châu Á mà trọng lượng của tài sản tài chính cũng thay đổi. Càng ngày, châu Á sẽ tham gia vào thị trường phố Wall và khu vực đồng Euro như một 'đầu tàu' của thị trường toàn cầu", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia phát biểu.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát do Hiệp hội đầu tư tư nhân tại các thị trường mới nổi (EMPEA) và Coller Capital thực hiện, nhà đầu tư tư nhân sẽ đưa 16 - 20% tổng số vốn của mình vào các thị trường mới nổi vào năm 2013, cao hơn so với mức 11 - 15% như hiện nay.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành EMPEA, Sarah Alexander, cho biết, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với khoản nợ ngày càng cao trong vòng 5 - 10 năm tới nhận thấy cơ hội tăng trưởng hấp dẫn tại các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, theo bà, ngoài hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà đầu tư đang quan tâm tới các khu vực khác như Mỹ Latin và Đông Nam Á. Khảo sát cho thấy, Brazil có thể vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường hấp dẫn nhất với nhà đầu tư.