Kinh tế Anh suy giảm trong lúc Brexit bế tắc
Anh đang đối mặt thách thức lớn cả về kinh tế và chính trị trong bối cảnh nước này chờ có một vị Thủ tướng mới
Anh đang đối mặt thách thức lớn cả về kinh tế và chính trị trong bối cảnh nước này chờ có một vị Thủ tướng mới và một hướng đi rõ ràng cho việc rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit.
Vào hôm thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Theresa May đã chính thức rời cương vị thủ lĩnh Đảng Bảo thủ cầm quyền và sẽ giữ cương vị Thủ tướng lâm thời cho tới khi có một vị Thủ tướng mới được chọn. Cuộc đua cho chiếc ghế mà bà May để lại đang nổi lên thành vấn đề lớn nhất trên chính trường Anh vào thời điểm hiện tại, đẩy vấn đề Brexit xuống vị trí thứ hai - hãng tin CNBC cho hay.
Ngày 10/6 là ngày chốt danh sách ứng cử viên cho cương vị thủ lĩnh Đảng Bảo thủ, và đã có 6 ứng cử viên trong danh sách này. Trong đó, dẫn đầu là ông Boris Johnson, cựu Ngoại trưởng, và ông Jeremy Hunt, đương kim Ngoại trưởng. Cả hai ông này đều đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Anh mới đây của ông Trump.
Các dự báo đang nghiêng về khả năng ông Johnson sẽ trở thành người đứng đầu mới của Đảng Bảo thủ, và theo đó sẽ giữ ghế Thủ tướng. Ông Johnson đã tuyên bố sẽ đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà bà May đã đạt được với EU. Ông nói sẽ trì hoãn việc trả khoản phí 39 tỷ USD cho cuộc "chia tay" với EU mà trước đó bà May đã nhất trí sẽ trả khi Anh ra khỏi khối.
Sau 3 năm đàm phán Brexit kể từ cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016, khả năng cuộc đàm phán này quay trở lại vạch xuất phát nếu ông Johnson trở thành Thủ tướng Anh sẽ khiến lãnh đạo EU ngao ngán.
Giới chức EU đã nói rằng thỏa thuận mà họ đã đàm phán với Anh sẽ không thay đổi. Vì vậy, khả năng Anh phải rời khối mà không có thỏa thuận nào vào tháng 10 năm nay đang tăng cao, dù đa số nghị sỹ Quốc hội Anh đã bỏ phiếu chống đối với kịch bản này. Cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond nói với CNBC rằng khả năng Brexit không thỏa thuận là "rất nhỏ".
Trong lúc cuộc đua ghế Thủ tướng Anh nóng lên trong tuần này, sức khỏe nền kinh tế Anh đang ngày càng đi xuống. Tương lai bấp bênh của mối quan hệ giữa Anh với EU, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, tiếp tục gây tổn hại niềm tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố ngày 10/6, nền kinh tế Anh suy giảm 0,4% trong tháng 4, một mức giảm mạnh hơn dự báo, sau khi giảm 0,1% trong tháng 3.
Trong vòng 3 tháng tính đến tháng 4, kinh tế Anh chỉ tăng 0,3%, sau khi tăng 0,5% trong quý 1.
Nguyên nhân chính khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Anh giảm tháng 4 là sản lượng xe hơi giảm 24% so với tháng 3, mức giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1995.
Một số chuyên gia dự báo, với thách thức mà Brexit gây ra, cộng thêm sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, GDP của Anh sẽ không tăng trưởng nhiều hơn mức 1,5% trong cả năm nay. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ phải giữ nguyên lãi suất cho tới giữa năm 2020.