15:36 14/10/2019

Kinh tế giảm tốc, người Trung Quốc “lạnh nhạt” với vàng

Thăng Điệp

Người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra kém mặn mà với vàng trong năm 2019

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra kém mặn mà với vàng trong năm 2019 và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong 2020, khi kinh tế giảm tốc và giá vàng tăng cao gây tâm lý ngần ngại mua vàng ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của Metals Focus dự báo tiêu thụ trang sức vàng ở Trung Quốc giảm 4% trong năm nay, còn khoảng 660 tấn. Nhu cầu đầu tư vàng của người Trung Quốc được dự báo giảm hơn 20%, còn 240 tấn.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và mối lo về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đến niềm tin của người tiêu dùng nước này, trong khi đợt tăng giá quá nhanh gần đây của vàng khiến một số nhà đầu tư Trung Quốc không dám rót tiền vào kim loại quý - chuyên gia Nikos Kavalis của Metals Focus, công ty nghiên cứu có trụ sở ở London, đánh giá. 

Ông Kavalis cho rằng nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ giữ ổn định trong năm tới.

Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đang chứng kiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc nhanh chóng. Chính phủ nước này dự báo nền kinh tế chỉ tăng 6-6,5% trong năm nay, mức thấp nhất trong khoảng 3 thập kỷ. Trong quý 2, kinh tế Trung Quốc tăng 6,2%, mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố dữ liệu tăng trưởng hàng quý vào năm 1992.

"Điều kiện kinh tế ở Trung Quốc đang khiến tiêu thụ vàng trang sức chịu áp lực suy giảm", ông Kavalis nói. Theo lời vị chuyên gia, thương chiến kéo dài và giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng mạnh khiến sức mua của người tiêu dùng nước này đối với những sản phẩm không thiết yếu như nữ trang giảm sút.

Một nhân tố khác gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ vàng ở Trung Quốc là đồng Nhân dân tệ giảm giá. Trong quý 2 vừa qua, Nhân dân tệ giảm giá 3,6% so với USD, mức giảm mạnh nhất trong 1 năm.

Trong lúc người Trung Quốc "lạnh nhạt" với vàng, giới đầu tư toàn cầu mua mạnh kim loại quý này. Nhờ đó, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đã tăng 16% trong năm nay. Tháng trước, giá vàng có lúc đạt hơn 1.557 USD/oz, mức cao nhất hơn 6 năm.

"Hồi năm 2017, 2018, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc mua vàng để chống lại sự mất giá của Nhân dân tệ", ông Kavalis nói. "Nhưng sau đợt tăng giá vàng của mùa hè năm nay, nhu cầu này không còn nhiều vì nhà đầu tư Trung Quốc lo rằng giá vàng đã tăng quá cao".

Kể từ khi giá vàng bắt đầu leo thang từ tháng 6, nhu cầu vàng nữ trang của Trung Quốc gần như tê liệt. Các tiệm nữ trang lớn ở nước này hầu như vắng khách cho tới hết quý 2 - một báo cáo mới đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay.

Nhập khẩu vàng của Trung Quốc được cho là sẽ giảm mạnh trong năm nay, một phần do nhiều nhà đầu tư nước này bán ra số vàng mà họ đã mua vào năm 2012-2013, theo ông Zhang Yongtao, Tổng thư ký Hiệp hội Vàng Trung Quốc. Việc người dân bán vàng làm tăng nguồn cung vàng trong nước, theo đó hạ thấp nhu cầu nhập khẩu vàng, ông Zhang giải thích.

Trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu vàng nguyên liệu của Trung Quốc giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 561 tấn, theo số liệu Hải quan.

Trái với sự giảm sút nhu cầu vàng trong khu vực tư nhân của Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) vẫn mua mạnh vàng cho dự trữ quốc gia. Kể từ khi bắt đầu mua ròng vàng trở lại vào tháng 12 năm ngoái đến tháng 8 năm nay, PBoC đã tăng dự trữ vàng thêm khoảng 100 tấn.