Kinh tế miền Trung: Đừng để “Một mảnh tình riêng, ta với ta...”
Phần lớn các địa phương đều có tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình
Qua lăng kính của thi nhân, miền Trung là, "trên nắng và dưới cát", là "mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt; lúa con gái mà gầy còm úa đỏ; chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ"...
Qua lăng kính của các lãnh đạo, miền Trung là "mặt tiền" của Việt Nam nhìn ra biển Đông. Thi nhân mong "tình người đọng mật" ở mảnh đất này, còn các lãnh đạo thời nào cũng vậy đều muốn đầu tư phát triển miền Trung, hóa giải những xung đột lợi ích cục bộ... Hơn hai mươi năm, liên kết vùng của nơi đây đến giờ vẫn luôn là nỗi lo day dứt.
Xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương trong vùng thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Tiềm năng, thế mạnh lại khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào...), các ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh có cơ cấu ngành, sản phẩm khá trùng lắp.
Phần lớn các địa phương đều có tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình. Hệ quả của tình trạng này là xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng, tạo nên những cuộc chạy đua cùng đưa nhau... xuống đáy, khi tỉnh nào cũng đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế.
Cần có một "nhạc trưởng" để hóa giải những xung đột này, đưa miền Trung thực sự cất cánh. Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rất sớm về vấn đề kinh tế vùng và liên kết vùng, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII, văn kiện đã nêu rõ về vấn đề này.
Qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI đều tiếp tục xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng. Bộ Chính trị cũng đã ban hành nhiều nghị quyết và kết luận về phát triển vùng. Song công cuộc này hầu như không có chuyển biến là bao trong suốt 2 thập kỷ qua, bởi một trong những rào cản lớn nhất là lợi ích cục bộ.
Vào tháng 6/2014, lần đầu tiên, một hội thảo ở cấp Trung ương về liên kết vùng, có tên là "Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã được tổ chức theo gợi ý của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng là để đáp ứng bước đầu đòi hỏi từ thực tế phải có một cơ chế chung về liên kết hợp tác phát triển Vùng dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của Trung ương về nguồn lực và cơ chế ưu đãi đầu tư để Vùng duyên hải miền Trung trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.
Ngay khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo, điều hành chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng, bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mối lỏng liên kết vùng có nhiều hy vọng được thắt lại, chấm dứt thời kỳ cả nước có 63 nền kinh tế.
Trong thắt chặt lại các mối liên kết vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi vào cụ thể với thực tế của từng địa phương và tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh nào ông cũng nhắc đến yêu cầu này. Như tại Quảng Bình, với thế mạnh là du lịch, sau khi hết lời ngợi ca Quảng Bình hoàn toàn có thể là một lựa chọn xuất sắc để tạo nên những ấn tượng đầu tiên mới lạ và sâu sắc về một Việt Nam được yêu thích ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Đây là vùng đất văn minh cổ thuộc hàng ngũ những nền văn minh lâu đời nhất châu Á. Quảng Bình không đơn giản là một Việt Nam thu nhỏ hay là sự phản ánh sắc nét về vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp bất tận của Việt Nam mà Quảng Bình thực sự là "viên kim cương màu xanh" của châu Á với những giá trị huyền bí cần được khám phá...
Thủ tướng yêu cầu, "Không chỉ là 'làn gió Đại Phong mới', Quảng Bình phải biết 'góp gió thành bão', cùng với các địa phương khác để ngành du lịch Việt Nam đi xa hơn, có sức cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. 'Góp gió thành bão' nghĩa là Quảng Bình cần liên kết. Bây giờ, chúng ta không thể phát triển nếu vẫn 'một mảnh tình riêng, ta với ta' như tâm tư của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan cách đây gần 200 năm khi bước chân qua Đèo Ngang".
Vẫn một tâm tư đó, người đứng đầu Chính phủ nhắn nhủ, "Cùng với các địa phương trong cả nước, các tỉnh miền Trung phải tự phấn đấu vươn lên, tự lực, tự cường, đi trên đôi chân của mình để phát triển giàu mạnh trên cơ sở tiềm năng to lớn của mình về con người, di sản văn hóa, bờ biển đẹp và xứng đáng với cơ sở vật chất to lớn mà Đảng, Nhà nước đầu tư.
Các tỉnh trong vùng làm thế nào để có 'bứt phá'? Đó phải là bứt phá về liên kết vùng, mạnh ai nấy làm thì không thể bứt phá, không thể phát triển. Chính phủ dẫu có mở đường thiên lý thì các tỉnh cũng khó mà đi nếu không có liên kết".
Nhắc lại một câu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất hay trích dẫn là "muốn đi nhanh, thì đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau", ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, người cũng là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung quả quyết, "chúng ta không thể thống nhất suy nghĩ của mọi người, nhưng có thể thống nhất mọi người qua một mục tiêu chung, từ đó, tạo bước đột phá. Các tỉnh miền Trung cam kết cùng bắt chặt tay nhau nỗ lực hết mình góp sức cùng đất nước không còn cảnh đói nghèo, tiến nhanh hơn trên con đường tới thịnh vượng".
Hãy kệ cho tiếng gió lao xao...
Thực tế, từ nhiều thập kỷ qua, liên kết vùng gặp khó vì có nhiều "tiếng gió lao xao" rằng, liên kết vùng cũng chỉ bởi các lãnh đạo càng lên "to", càng muốn chăm lo phát triển trước hết cho địa phương mình. Nếu không vượt qua được cách tư duy nghiệt ngã này, thì mọi nỗ lực tập trung cho miền Trung hay bất cứ vùng nào khác, rốt cuộc, sẽ chỉ được coi như một câu chuyện lợi ích cục bộ.
Cũng như hơn 20 năm trước, ý tưởng xây dựng đường dây 500KV Bắc - Nam của người giữ cương vị Thủ tướng thời kỳ đó, là ông Võ Văn Kiệt được bàn thảo ở Quốc hội, đã vấp phải luồng chỉ trích rằng ông Kiệt là người miền Nam nên muốn đưa điện từ Bắc vào Nam vì tư duy "địa phương cục bộ", bởi trên thế giới không nước nào làm đường dây điện siêu cao áp kéo dài hơn 1.000 km như vậy. Thế giới đã có đường dây 400 KV, riêng Pháp, Nga có đường dây 500 KV, nhưng dài lắm cũng chỉ là 500 km...
Dù vậy, ông Kiệt đã kiên quyết bảo vệ quan điểm cần thiết phải tiến hành công việc này. Theo hồi tưởng của những người thân cận với Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ, thì lý do duy nhất đã khiến ông có quyết tâm như vậy vì "Chúng ta đã mở cửa kinh tế rồi nhưng đất nước không phát triển được chỉ vì miền Nam thiếu điện trong khi miền Bắc lại đang thừa điện vì có thủy điện Hòa Bình, Thác Bà".
Dù hết sức khó khăn, nhưng cuối cùng, đường dây 500KV cũng đã được quyết định. Tháng 1/1992, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch xây dựng đường dây 500KV. Ngày 5/4/1992 khởi công.
19h 6 phút ngày 27/5/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hạ lệnh hòa lưới điện quốc gia thành một mạng thống nhất. Với công trường thi công trải dài đất nước, vượt qua trùng điệp núi rừng Trường Sơn và bảy con sông lớn, công trình này hoàn thành chỉ trong vẻn vẹn 2 năm.
Là một quốc gia chịu tổn thất, nghèo khó nặng nề, khi vừa bước ra khỏi những cuộc chiến tranh khốc liệt, Việt Nam đã làm được một cái việc phi thường hơn nhiều đất nước phát triển khác, đó là có được một mạng điện thống nhất toàn quốc gia.
Tình trạng thiếu điện ở miền Nam, miền Trung không những được giải quyết mà đã tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 1990 - 1995, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14%; GDP tăng từ 5,1% vào năm 1990 đến 9,5% vào năm 1995.
Từ câu chuyện cổ tích về xây dựng đường dây 500KV Bắc - Nam của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đến câu chuyện liên kết vùng hiện nay để chấm dứt tình trạng cả nước có 63 nền kinh tế, đều hướng tới một chân lý rằng, khi người lãnh đạo có tầm nhìn, có quyết tâm phát triển đất nước thì việc tạo ra chuyển biến không có gì là quá khó.