Kinh tế Nhật lần đầu tiên suy giảm sau hai năm
Đây được xem là một đòn giáng vào chương trình chấn hưng tăng trưởng Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, suy giảm 0,6% trong quý 1/2018 so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt chuỗi quý tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1989 và là một đòn giáng vào chương trình chấn hưng tăng trưởng Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo tờ Financial Times, đây là quý suy giảm đầu tiên của kinh tế Nhật kể từ quý 1/2016 và tệ hơn so với mức dự báo giảm 0,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trước quý giảm này, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nhật Bản đã có 8 quý tăng trưởng không nghỉ.
Việc kinh tế Nhật quay đầu suy giảm cũng là một dấu hiệu cho thấy môi trường kinh tế toàn cầu đang trở nên kém có lợi hơn cho quốc gia mặt trời mọc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích không cho rằng kinh tế Nhật đang bước vào một cuộc suy thoái mới. Thị trường việc làm của nước này đang trong tình trạng cực kỳ thắt chặt, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,5% và các chỉ số kinh tế khác đều cho thấy triển vọng tăng trưởng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản qua các quý, từ quý 1/2015 đến quý 1/2018. Đơn vị: % - Nguồn: Financial Times.
"Động lực xuất khẩu của Nhật Bản có vẻ đã đạt đỉnh", ông Izumi Devalier, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Nhật Bản thuộc Merrill Lynch ở Tokyo, nhận xét. "Chúng tôi không dự báo xuất khẩu của Nhật sẽ giảm, nhưng kinh tế Nhật sẽ không còn nhận được nhiều lực hỗ trợ từ nhu cầu xuất khẩu như trong năm 2017 nữa".
Sự suy yếu diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế Nhật Bản trong quý 1 - theo ông Marcel Thieliant, chuyên gia kinh tế cấp cao về Nhật Bản thuộc Capital Economics.
"Tiêu dùng tư nhân và nhu cầu của khu vực công đi ngang, trong khi chi đầu tư và xuất khẩu ròng giảm nhẹ", hãng tin CNN dẫn lời ông Theiliant trong một báo cáo.
Trong suốt 5 năm Chính phủ của Thủ tướng Abe triển khai chương trình Abenomics, kinh tế Nhật đã dần hồi phục và giữ đà tăng trưởng tương đối vững vàng. Tuy nhiên, nước này gặp khó trong việc phá vỡ tư duy giảm phát -một kết quả của việc giá cả trì trệ suốt 2 thập kỷ. Lạm phát yếu khiến người tiêu dùng Nhật trì hoãn việc chi tiêu, gây tác động bất lợi lên tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng yếu đi là một mối lo đối với Thủ tướng Abe, bởi ông đang đối mặt với một loạt vụ bê bối đe dọa tương lai chính trị.