12:02 12/07/2019

Kinh tế Singapore sụt giảm mạnh do sức ép từ chiến tranh thương mại

Bình Minh

Theo các chuyên gia, “sự sụt giảm mạnh của GDP Singapore không phải là một điềm báo tốt cho phần còn lại của châu Á”

Cảng biển của Singapore - Ảnh: Asia News.
Cảng biển của Singapore - Ảnh: Asia News.

Kinh tế Singapore bất ngờ sụt giảm mạnh trong quý 2, gửi đi một lời cảnh báo đối với nền kinh tế toàn cầu về ảnh hưởng tiêu cực mà xung đột thương mại gây ra với niềm tin kinh doanh và các hoạt động đầu tư.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Chính phủ Singapore công bố ngày 12/7 cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này giảm 3,4% trong quý 2 so với quý 1. Trong quý đầu năm, nền kinh tế của đảo quốc sư tử tăng 3,8%.

Giới phân tích đã dự báo kinh tế Singapore tăng trưởng 0,5% trong quý 2, bởi vậy cú sụt mạnh này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán.

Cũng giống như kinh tế Hàn Quốc, kinh tế Singapore thường được coi là một "hàn thử biểu" của nhu cầu toàn cầu, bởi đây đều là những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc cao vào ngoại thương.

Trong quý 1 năm nay, kinh tế Hàn Quốc đã suy giảm. Từ khắp châu Á tới châu Âu, hoạt động của các nhà máy suy giảm trong tháng 6, trong khi các dữ liệu từ Mỹ cho thấy sự tăng trưởng kinh tế diễn ra yếu ớt.

"Những gì xấu xảy ra ở Singapore đều là tín hiệu cảnh báo sớm, bởi nền kinh tế của nước này có độ mở rất lớn và rất nhạy cảm với thương mại", ông Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế thuộc Maybank Kim Eng Research, nhận định. Theo ông Chua, số liệu kinh tế mới nhất của Singapore "cho thấy khả năng kinh tế giảm tốc sâu hơn ở toàn bộ phần còn lại của châu Á".

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Á là đầu tàu tăng trưởng của thế giới, đóng góp hơn 60% GDP toàn cầu. Ông Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura Holdings, cũng cho rằng "sự sụt giảm mạnh của GDP Singapore không phải là một điềm báo tốt cho phần còn lại của châu Á".

Mức độ hội nhập sâu rộng của Singapore vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu khiến nền kinh tế nước này rất dễ tổn thương trước sự giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu và các cuộc chiến thuế quan. Mấy tháng qua, xuất khẩu của Singapore đã bị ảnh hưởng mạnh bởi chiến tranh thương mại, trong đó giá trị xuất khẩu tháng 5 giảm mạnh nhất kể từ đầu 2013.

"Lúc đầu, tôi nghĩ số liệu GDP sẽ là một con số xấu, nhưng trên thực tế, con số rất xấu", ông Chua phát biểu. "Nguy cơ kinh tế Singapore rơi vào suy thoái kỹ thuật là có thật. Mọi người cho rằng suy thoái có thể chỉ xảy ra ở cấp độ nông, nhưng khả năng suy thoái sâu là hoàn toàn có".

Ngoài căng thẳng thương mại, sự giảm nhiệt của lĩnh vực công nghệ cũng đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của Singapore. Khoảng 40% xuất khẩu của nước này tập trung ở lĩnh vực mạch tích hợp, theo ông Tuuli McCully, trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thuộc Scotiabank ở Singapore.

"Tình trạng giảm tốc của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được phản ánh ở Singapore nhiều hơn ở bất kỳ một quốc gia nào khác trong khu vực", ông McCully nói.

Suy giảm không chỉ diễn ra ở khu vực xuất khẩu của Singapore. Ngành sản xuất nước này trong quý 2 giảm 6% so với quý 1, xây dựng giảm 7,6%, ngành dịch vụ giảm 1,5%.

Những con số u ám trên có thể khiến Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương nước này, giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 10, thậm chí có thể nới lỏng chính sách tiền tệ. Lãi suất là công cụ chính của MAS, và trong cuộc họp tháng 4, cơ quan này không thay đổi lãi suất.

Chính phủ Singapore dự báo nền kinh tế nước này chỉ tăng 1,5-2,5% trong năm nay, so với mức tăng 3,1% đạt được trong 2018.