10:19 11/04/2024

Kinh tế trưởng ADB: Tỷ giá căng thẳng nhưng chưa đến mức phải bán ngoại tệ để can thiệp

Phan Linh

Tỷ giá cặp tiền VND/USD chịu áp lực mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh hơn 1% trong ngày hôm qua trên thị trường thế giới. Trên thị trường tự do, giá USD mua vào tăng 40 đồng so với phiên 10/4, giao dịch tại 25.340 VND/USD và tăng 30 đồng ở chiều bán, ở mức 25.450 VND/USD...

Chỉ số USD nhảy thẳng đứng sau khi có số liệu CPI của Mỹ đêm qua.
Chỉ số USD nhảy thẳng đứng sau khi có số liệu CPI của Mỹ đêm qua.

Sáng 11/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tăng 10 VND, tỷ giá ngân hàng thương mại tăng 10 đồng chiều mua so với phiên hôm qua, giao dịch ở mức 24.780 VND/USD và 20 đồng chiều bán, ở mức 25.150 VND/USD…

Trên thị trường tự do, giá USD mua vào tăng 40 đồng so với phiên 10/4, giao dịch tại 25.340 VND/USD và tăng 30 đồng ở chiều bán, ở mức 25.450 VND/USD.

Tỷ giá cặp đồng tiền VND/USD chịu áp lực mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh hơn 1% trong ngày hôm qua trên thị trường thế giới và tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 1990 so với đồng JPY sau báo cáo lạm phát tăng nóng của Mỹ.

Xu hướng tỷ giá tăng dự báo sẽ được tiếp nối trở lại trong ngày hôm nay do áp lực từ thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thanh khoản tiền đồng trên liên ngân hàng đang được thắt chặt sau nhiều phiên phát hành tín phiếu liên tục từ Ngân hàng Nhà nước đang phát huy tác dụng trong việc điều hành tỷ giá.

 

Biến động tỷ giá hiện nay nằm trong biên độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, chưa đến mức phải lo lắng về việc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng ADB

Tại họp báo ngày 11/4 của ADB, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng của ADB đánh giá biến động của tỷ giá hiện nay nằm trong biên độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, chưa đến mức phải lo lắng về việc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.

Theo các chuyên gia, diễn biến của đồng USD trên thế giới còn khó lường và cần được theo dõi chặt chẽ.

Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố tối 10/4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 đã tăng +3,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và tăng so với mức +3,2% của tháng 2. Áp lực lạm phát dai dẳng vẫn tồn tại trong 3 tháng đầu năm nay, làm chệch hướng khả năng Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 và đặt ra câu hỏi về việc liệu cơ quan này có thể thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay mà không gây ra suy thoái cho nền kinh tế hay không?

Kết quả này có thể khiến các thành viên Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất dự kiến cho đến tháng 7 hoặc muộn hơn. Đáng lo ngại hơn, lạm phát cơ bản đã tăng 0,4% so với tháng trước mặc dù giá cả các mặt hàng như ô tô, xe tải mới và cũ đều giảm nhưng không thể bù đắp cho phần tăng từ chi phí dịch vụ. Nhiều định chế tài chính đã hạ dự báo về số lần cắt giảm lãi suất của FED trong năm nay từ 3 lần xuống chỉ còn 2 lần với thời điểm bắt đầu có thể vào tháng 7 (Goldman Sachs) hoặc tháng 9 (UBS).

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 của Fed, được công bố vào rạng sáng hôm nay, cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã thất vọng trước diễn biến gần đây của lạm phát. Dự báo việc thiếu niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát có thể khiến FED lựa chọn chỉ thực hiện 1 lần cắt giảm lãi suất vào quý 4 năm nay hoặc chờ đến đầu năm 2025.