02:04 04/11/2010

Lãi suất huy động vàng không “bình thản”

Minh Đức

Vì sao lãi suất huy động vàng vẫn chưa giảm trước tác động của chính sách thu hẹp huy động và cho vay?

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng mới sử dụng 60% số vốn huy động bằng vàng (92,6 tấn, tương đương khoảng 73.000 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9/2010), hiệu quả kinh doanh thấp.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng mới sử dụng 60% số vốn huy động bằng vàng (92,6 tấn, tương đương khoảng 73.000 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9/2010), hiệu quả kinh doanh thấp.
Lãi suất huy động vàng vẫn chưa giảm dù chính sách thu hẹp huy động và cho vay đã hiệu lực. Song đây không phải là sự bình thản trước tác động của chính sách.

Ngày 29/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư số 22/2010/TT-NHNN, quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Có hai điểm đáng chú ý trong Thông tư 22 là: thứ nhất, các tổ chức tín dụng không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng; thứ hai, các tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành đồng Việt Nam và các hình thức bằng tiền khác như trước đây.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký (29/10/2010). Hoạt động huy động và cho vay vàng của các ngân hàng thương mại chính thức bị thu hẹp. Một suy tính thông thường, khi cả đầu vào và đặc biệt là đầu ra bị hạn chế, lãi suất huy động vàng sẽ giảm. Thế nhưng đến cuối ngày 3/11, tức sau 3 ngày chính sách mới có hiệu lực, chưa có thành viên nào điều chỉnh.

Khác với những đợt hạ lãi suất VND thời gian qua, các ngân hàng thường thận trọng và chờ đợi phản ứng của các thành viên. Với lãi suất huy động vàng lần này, cũng có sự chờ đợi, nhưng nguyên do lớn hơn là từ yêu cầu nội tại.

Ngay sau khi chính sách được ban hành, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) cho biết sẽ theo dõi diễn biến thị trường, cũng như phản ứng của các thành viên khác để có thể điều chỉnh chính sách lãi suất.

Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho biết kế hoạch hạ lãi suất huy động vàng cũng đã được tính đến trong những ngày qua.

Tuy nhiên, đến hết ngày 3/11, lãi suất huy động vàng của các nhà băng vẫn giữ nguyên. Thậm chí trước thềm Thông tư 22 ban hành, ngày 28/10, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) còn công bố biểu lãi suất mới; trong đó lãi suất huy động vàng cao nhất được ấn định 1,6%/năm, các mức cao từ 1% - 1,5%/năm đã được trải rộng từ kỳ hạn 1 tháng cho đến 13 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ).

Hiện tại, mức lãi suất huy động vàng cao nhất trên thị trường vẫn thuộc về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), với 3%/năm kỳ hạn 3 tháng hay các mức vượt trội 2,76%/năm kỳ hạn 1 tháng và 2,88%/năm kỳ hạn 2 tháng, sau quyết định tăng rất mạnh trong ngày 21/10 vừa qua. Tại nhiều thành viên khác, lãi suất huy động vàng phổ biến từ 1% - 1,5%/năm áp cho nhiều kỳ hạn, chủ yếu từ 1 - 12 tháng.

Trước tác động của chính sách trên, không hẳn các ngân hàng phản ứng chậm, hay “bình thản” về lãi suất.

Trao đổi với VnEconomy, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn có nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối cho biết, lãi suất huy động vàng hiện chưa giảm theo như dự tính từ quy định thu hẹp huy động và cho vay bởi nguyên do nội tại.

Ông cho biết việc điều chỉnh đang được tính đến, nhưng hệ quả của nó cũng phải dự phòng. Lãi suất huy động vàng giảm, cũng như tác động từ chính sách, người dân có thể rút vàng trước hạn để quy đổi vốn, hoặc tốc độ huy động sẽ chững lại khi lãi suất thấp (thậm chí thu phí), trong khi các khoản cho vay vàng thời gian qua chưa đến kỳ đáo hạn để hồi vốn. Đây là khả năng có thể dẫn tới khó khăn thanh khoản vàng và có thể là điểm mà các ngân hàng cùng cân nhắc.

Theo phân tích của lãnh đạo ngân hàng này, thực tế trong hoạt động, lãi suất huy động vàng hiện nay, ngoài trường hợp cá biệt, vẫn chủ yếu ở mức thấp, chi phí theo đó không quá lớn. Đó cũng là điểm được tính tới khi cân nhắc có nên “đánh đổi” với khả năng khó khăn thanh khoản vàng hay không.

Trong khi đó, những phân tích thời gian qua cho thấy, khi lãi suất huy động VND bị giới hạn bởi “trần” thỏa thuận giữa các thành viên, bên cạnh USD, vàng là một nguồn vốn “cứu cánh” để một số ngân hàng tăng huy động nhằm cân đối các chỉ số an toàn trong hoạt động theo yêu cầu của Thông tư 13. Và đây có thể cũng là một lý do bên cạnh những phân tích trên.

Liên quan đến việc thu hẹp huy động và cho vay vàng, bên cạnh mục đích và nguyên do mà nhà điều hành đã lý giải, ảnh hưởng đầu tiên được xét tới là lợi nhuận của các ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh này.

Điểm lại báo cáo tình hình kinh doanh năm 2009 và định hướng 2010 của một số ngân hàng thương mại lớn, việc một số nghiệp vụ bị thu hẹp trong năm nay cũng đã được lường tính để chủ động ứng phó; với kinh doanh vàng, trước đó là việc đóng cửa các sàn giao dịch và tài khoản kinh doanh ở nước ngoài.

Tác động được chú ý là nguồn thu tín dụng từ huy động và cho vay vàng sẽ bị ảnh hưởng. Rộng hơn, tăng trưởng tín dụng của hệ thống có thể chậm lại trong ngắn hạn khi phản ánh tác động này. Khoảng 60% số dư huy động 92,6 tấn vàng (tương đương 73.000 tỷ đồng) tính đến cuối tháng 9/2010 được dùng để cho vay là một con số đáng kể.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải ngừng việc chuyển đổi vàng huy động sang vốn VND. Đây cũng là một nguồn vốn bị thiếu hụt trực tiếp trong thời gian tới. Theo quy định trước đây, các ngân hàng được phép chuyển đổi tối đa 30%. Trên thực tế, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM đến cuối tháng 9, tại địa bàn này, tỷ lệ chuyển đổi chỉ là 10,85% trong hơn 70.000 tỷ đồng số dư huy động bằng vàng. Con số đó cũng gần với tổng 73.000 tỷ đồng chung mà đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Nếu 10,85% là mẫu số chung, lượng vốn VND quy đổi ở khoảng 7.500 đến gần 8.000 tỷ đồng. Theo một số nguồn tin gần đây, nguồn quy đổi này chủ yếu có ở 3 thành viên là ACB, HDBank và SCB (với khoảng 7.600 tỷ đồng). Theo đó, ảnh hưởng ở sự chuyển đổi này nếu có sẽ mang tính cục bộ hơn là trên diện rộng.