13:00 12/09/2018

Lãi thấp hơn gửi ngân hàng, vì sao 1.135 tỷ đồng trái phiếu PAN vẫn bán hết?

Kiều Châu

Thương vụ chào bán hơn 1.135 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm của The PAN Group vừa gây chú ý trên thị trường

Thương vụ chào bán hơn 1.135 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm của The PAN Group vừa gây chú ý trên thị trường khi nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất chỉ 6,8%/năm nhờ uy tín của các đơn vị tham gia đợt phát hành.

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN - The PAN Group (mã chứng khoán PAN) vừa công bố chào bán thành công 1.135 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng cho nhà đầu tư, với sự bảo lãnh thanh toán của Quỹ Bảo lãnh tín dụng đầu tư (CGIF) - quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và phân phối bởi Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Lượng vốn thu về dự kiến được PAN sử dụng cho hoạt động kinh doanh thực phẩm đóng gói, bao gồm việc mua bán sáp nhập, đầu tư tài sản cố định và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đợt phát hành gây chú ý bởi mức lãi suất cố định 6,8%/năm mà nhà đầu tư chấp nhận cho kỳ hạn 5 năm, tức là thấp hơn mức sinh lời mà họ có thể nhận được nếu gửi vào ngân hàng ở cùng thời điểm.

Việc này phần nào cho thấy sức hút của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần phát triển tại Việt Nam, song cũng là điều không dễ xảy ra nếu không có những lợi thế riêng của đợt phát hành và các đơn vị tham gia.

Nhà bảo lãnh "khó tính" CGIF

Là quỹ tín thác của ADB, CGIF có vốn chủ sở hữu 860 triệu USD, góp từ Chính phủ các nước ASEAN 3 (gồm 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và ADB. Quỹ hiện được Standard & Poor's xếp tín nhiệm AA, một trong những mức cao nhất trong thang xếp hạng của tổ chức này.

Mục tiêu hoạt động đề ra của quỹ là cấp bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp trong nhóm ASEAN 3, hướng đến tái lập sự cân bằng trên thị trường vốn, giúp doanh nghiệp không phụ thuộc quá mức vào vốn vay ngân hàng.

Quỹ tín thác này được thành lập từ năm 2010. Dù vậy, sau 8 năm hoạt động, CGIF mới thực hiện bảo lãnh cho 22 đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp ASEAN. PAN là doanh nghiệp thứ 4 ở Việt Nam được CGIF đứng ra bảo lãnh, trước đó là các thương vụ của Vingroup, Masan và Thế giới Di động.

Đây cũng là lần đầu tiên CGIF tham gia bảo lãnh cho một doanh nghiệp có hoạt động nông nghiệp và là đợt phát hành thứ 3 mà định chế này bảo lãnh trong năm nay.

CGIF được đánh giá là một nhà bảo lãnh "khó tính" với quy trình xét duyệt khá gắt gao. Để đạt tiêu chuẩn, các doanh nghiệp tối thiểu phải được xếp hạng đầu tư BBB- theo xếp hạng trong nước, không hoạt động sản xuất trong danh mục cấm, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và an toàn xã hội…

Quá trình xét duyệt cấp bảo lãnh qua nhiều vòng sơ bộ, doanh nghiệp gửi hồ sơ chính thức về kế hoạch - chiến lược kinh doanh đến những vòng khảo sát sâu… Tương tự nhưng các cổ đông đầu tư quy mô lớn, CGIF cũng thực hiện khảo sát (Due Diligence) tại doanh nghiệp mục tiêu, thăm trực tiếp cơ sở vật chất, đánh giá hệ thống, con người, quy trình vận hành...

Quyết định phê duyệt chỉ được đưa ra khi các nhóm đánh giá đồng thuận và đạt được tỷ lệ thống nhất của 8 thành viên hội đồng quản trị, bao gồm cả một đại diện của ADB, đại diện cho các quốc gia góp vốn và Tổng giám đốc CGIF.

Thông thường, tổ chức này có thể bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần khoản trái phiếu. Nhờ vượt qua được những điều kiện khắt khe cùng việc có sự bảo tín về khả năng bảo toàn vốn, lãi suất sẽ ở mức khá hấp dẫn cho nhà phát hành nếu so với mặt bằng huy động chung trên thị trường.

Như trường hợp của PAN, mức lãi suất ngang ngửa thậm chí thấp hơn mức mà các ngân hàng đang áp dụng cho tiền gửi tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi cùng kỳ hạn. Mức huy động này cũng khá thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng thời gian gần đây cũng như áp lực huy động nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn mới theo Thông tư 36/2014 sửa đổi.

Chỉ tiêu nợ của PAN vẫn dưới 50% sau đợt phát hành trái phiếu

Một trong những ưu thế giúp PAN ghi điểm trong mắt CGIF hay các trái chủ là cơ cấu nguồn vốn vẫn dựa nhiều vào vốn góp và các khoản lợi nhuận chưa phân phối, tích lũy hàng năm. Đến ngày 30/6/2018, tỷ lệ nợ của tập đoàn này đạt 39,4%.

Ước tính khi thêm vào số trái phiếu này, nợ phải trả sẽ chiếm 47,3% tổng nguồn vốn. Chưa kể nếu thực hiện thành công đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác Nhật Bản - Sojitz (đã được cổ đông thông qua) với số vốn thu về dự tính hơn 800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ tại PAN sẽ còn tiếp tục giảm.

Lãi thấp hơn gửi ngân hàng, vì sao 1.135 tỷ đồng trái phiếu PAN vẫn bán hết? - Ảnh 1.

Lợi nhuận thực hiện các năm – Đơn vị: Tỷ đồng – Nguồn: PAN

Theo bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc PAN, việc huy động trái phiếu thành công sẽ giúp tập đoàn đa dạng hóa nguồn vốn và nhà đầu tư. Vị CEO này cũng đánh giá đây là một cột mốc quan trọng của công ty, giúp PAN có thêm người đồng hành bên cạnh những nhà đầu tư tổ chức lớn đã đầu tư như IFC, TAEL, SSI, GIC…

Một khoản vay dài hạn với mức lãi suất hấp dẫn và cố định trong suốt 5 năm sẽ là cơ sở để PAN chắc chắn hơn trong các kế hoạch kinh doanh của mình. Theo phương án phát hành, số tiền huy động sẽ được sử dụng để đầu tư cho hoạt động kinh doanh thực phẩm đóng gói của Công ty Cổ phần Thực phẩm PAN (PAN Food).

Theo đuổi mô hình từ nông trại đến bàn ăn, PAN Food là một mắt xích quan trọng của PAN sở hữu vốn tại nhiều doanh nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng lớn như Bibica, Nước mắm 584 Nha Trang, Fimex, Lafooco…

Với tình hình tài chính tốt và cơ cấu nợ an toàn, kết quả kinh doanh của PAN cũng ghi nhận các bước tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm gần đây. Bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm lên tới gần 80% trong 5 năm qua.

PAN Food cũng là mảng tăng trưởng mạnh với doanh thu hợp nhất tăng 88% trong năm 2017. Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn năm 2017 đạt 503 tỷ đồng, tăng bình quân 121% trong giai đoạn 2012-2017. Đây cũng có thể xem là một lợi thế khác của đơn vị phát hành trong mắt nhà đầu tư.