Lâm Đồng: Quy hoạch Bảo Lộc và vùng phụ cận thành 9 phân vùng
Bảo Lộc sẽ được quy hoạch phát triển theo “cấu trúc đô thị 01 vành đai”, các vùng phụ cận phát triển theo định hướng nông nghiệp: đô thị sinh thái- công nghệ cao - du lịch nông nghiệp- nghỉ dưỡng...
Ngày 02/5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 761 về quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2040 (Quyết định số 761).
Theo đó, phạm vi ranh giới đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận gồm: TP. Bảo Lộc hiện tại và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm gồm các xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam và Tân Lạc.
Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 598,49 km2 (tương đương 59.849 ha). Trong đó, TP. Bảo Lộc có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 233,95 km2 (tương đương 23.395 ha).
Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 là 3.800 ha, đến năm 2040 là 4.800 ha. Chỉ tiêu đất dân dụng khoảng 80 – 100 m2/người gồm đất ở, đất cây xanh, đất công trình công cộng và đất giao thông.
Quy mô dân số đến năm 2030 là 257.900 người và đến năm 2024 dự kiến là 320.000 người.
Theo quyết định mới, quy hoạch và phát triển TP. Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040.
Phát triển TP. Bảo Lộc theo “cấu trúc đô thị 01 vành đai”. Đô thị lõi được bao bọc bởi tuyến vành đai nhằm kiểm soát sự phát triển và kết nối mềm mại với vùng phụ cận xung quanh.
Vùng phụ cận phát triển theo định hướng nông nghiệp: đô thị sinh thái- công nghệ cao - du lịch nông nghiệp- nghỉ dưỡng.
Quyết định mới nhất quy hoạch TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận thành 09 phân vùng phát triển.
Cụ thể, vùng trung tâm đô thị: có tổng diện tích 1.782,2 ha bao gồm phường 1, phường 2, phía Bắc phường B’Lao, phường Lộc Tiến, phía Bắc phường Lộc Sơn, phía Nam phường Lộc Phát.
Vùng phát triển mới phía Đông: có tổng diện tích 2.536 ha, phạm vi xã Lộc Thanh, 1 phần phía Đông phường Lộc Phát, phía Bắc Lộc Nga.
Vùng phát triển đô thị phía Nam: có tổng diện tích 1.922,5 ha, phạm vi khu vực phía Nam phường B’Lao, phường Lộc Sơn, xã Lộc Nga.
Vùng phát triển dân cư và du lịch sinh thái: có tổng diện tích 9.980,2 ha, phạm vi là các khu vực phía Nam phường Lộc Tiến, 1 phần xã Lộc Châu, xã Đại Lào, xã Lộc Thành.
Vùng phát triển đô thị mật độ thấp phía Tây: có tổng diện tích 1.319,7 ha, phạm vi khu vực phía Nam Phường B’Lao, phường Lộc Châu, xã Lộc Tiến, xã Đại Lào.
Vùng dự trữ phát triển phía Tây Bắc: có tổng diện tích 2.681,2 ha, phạm vi khu vực phía Nam xã Đam B’ri, khu vực phía Tây Bắc phường 2, Tây Bắc và Tây Nam phường Lộc Tiến, Tây Bắc xã Lộc Phát.
Vùng phát triển du lịch thác Đam B’Ri: có tổng diện tích 2.769,7 ha, phạm vi một phần khu vực xã Đam B’ri, khu vực phía Bắc xã Lộc Tân, khu vực thác nước Đam B’Ri; khu vực hồ Tiên.
Vùng đô thị trung tâm xã Lộc An: có tổng diện tích 1.196,9 ha, phạm vi các khu vực trung tâm dọc theo tuyến quốc lộ 20 xã Lộc An.
Vùng phát triển và bảo tồn nông lâm nghiệp: tổng diện tích 35.660,8 ha, có phạm vi các khu vực còn lại, bao gồm: các khu vực nông nghiệp trồng cây hằng năm và lâu năm, các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, khu vực dân cư hiện trạng.
Theo quyết định, các khu vực bảo vệ cảnh quan đô thị định hướng phát triển đô thị xanh, bảo tồn đan xen cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan đô thị. Định hướng xây dựng phát triển mô hình đô thị sinh thái nông nghiệp, xây dựng các điểm du lịch sinh thái ven sông… Bảo tồn không gian nông nghiệp của đồng bào dân tộc để duy trì cảnh quan đa dạng và quản lý nước mưa. Thiết kế tuyến đường xe đạp, đi bộ dọc theo các trục cảnh quan và các điểm du lịch…
Đối với vùng phát triển nông nghiệp và nông thôn sẽ phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả đặc trưng (bơ 034, sầu riêng, nho…); khu vực trồng dâu nuôi tằm xã Đa, B’ri…
Xây dựng các điểm dân cư tập trung ở các xã thuộc TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, các khu dân cư dọc quốc lộ 20…
Về không gian du lịch sinh thái rừng, sẽ tổ chức các hoạt động du lịch và xây dựng không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại thác Đam B’ri, núi Đại Bình.
Các khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng được phép bố trí các công trình khách sạn cao cấp, nhà nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, du lịch tâm linh…
Tổng diện tích các khu công nghiệp Lộc Sơn, Lộc Phát, Đại Lào và cụm công nghiệp Lộc Phát có quy mô khoảng 413 ha vào năm 2040.
Các khu ở cải tạo chỉnh trang, mật độ cao được bố trí trong khu vực trung tâm các phường và trung tâm thành phố. Các khu ở mới xây mật độ thấp dạng nhà ở riêng lẻ có sân vườn.
Cũng theo quyết định, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ vào quy hoạch chung, quy định quản lý được phê duyệt tổ chức lập và trình UBND các địa phương phê duyệt quy hoạch phân khu các khu vực đô thị và quy hoạch chi tiết một số khu vực đặc biệt theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Quyết định số 761 quy định đối với các dự án đầu tư xây dựng tại TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận
Đối với các dự án đầu tư đã thỏa thuận địa điểm, nay đề nghi cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không phù hợp với quy hoạch chung phải được rà soát điều chỉnh đúng với định hướng quy hoạch chung. Trường hợp không đúng chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chung, cơ quan thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm đề xuất cơ quản có thẩm quyền thu hồi văn bản thỏa thuận địa điểm.
Đối với các dự án đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nay thực hiện thủ tục quy hoạch, xây dựng, thủ tục đất đai phải rà soát, điều chỉnh mục tiêu dự án, thông số kỹ thuật của dự án cho phù hợp với định hướng quy hoạch chung, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, chấp thuận điều chỉnh trước khu thực hiện các bước tiếp theo.
Không gia hạn đối với các dự án có mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật không đúng định hướng quy hoạch chung, chậm tiến độ so với tiến độ quy định và quá thời gian gia hạn theo Luật Đất đai.