10:02 08/08/2008

“Lạm phát đáng lo hơn chuyện doanh nghiệp phá sản”

Lê Hường

Chuyên gia Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bày tỏ quan điểm về chính sách tiền tệ của Việt Nam

"Chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng là hai vấn đề mang tính đánh đổi".
"Chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng là hai vấn đề mang tính đánh đổi".
Ông Hisatsugu Furukawa, chuyên gia chính sách tiền tệ, Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bày tỏ quan điểm về chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Phá sản là kết quả tự nhiên của thắt chặt tiền tệ

Ông đánh giá như thế nào về nhận định cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đứng trước một lựa chọn khó khăn, đó là nới lỏng chính sách tiền tệ và chịu tình trạng lạm phát cao, hay vẫn thắt chặt tiền tệ và chấp nhận rủi ro tín dụng của các ngân hàng?

Quan sát tình trạng hiện tại cho thấy, đúng là Ngân hàng Nhà nước đang gặp tình huống khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát và nhu cầu thanh khoản của lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp, cũng như khó khăn giữa kiềm chế lạm phát và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đây là hai vấn đề mang tính đánh đổi. Lãi suất và tăng trưởng tín dụng là các phần của chính sách tiền tệ. Tăng lãi suất và hạ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đều nhằm mục đích thắt chặt tiền tệ.

Hiện nay, mục tiêu hàng đầu của Việt Nam là kiềm chế lạm phát bằng chính sách tiền tệ và tài khóa. Tỷ lệ tăng trưởng là mục tiêu thứ hai sau kiềm chế lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nên tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ này.

Một điều đáng chú ý nữa, quyết định của Chính phủ về cho phép tăng giá xăng dầu có thể lại đẩy lạm phát tăng cao. Không ai có thể biết được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 và tháng 9 sẽ là bao nhiêu. Vì vậy, phải rất cẩn thận trước sự biến động của chỉ số giá tiêu dùng.

Sự thật là mọi người vẫn lo ngại về khả năng mất thanh khoản của các ngân hàng và doanh nghiệp. Nhưng thắt chặt tiền tệ và tài khóa nhằm mục đích làm chậm lại các họat động kinh tế một khi đã bị thúc đẩy quá mạnh mẽ, nếu không, lạm phát không thể được kiểm soát. Để tiếp tục kiềm chế lạm phát, chúng ta cần khôi phục sự cân bằng tốt giữa cung và cầu.

Trong tình huống hiện nay, giảm cầu hoặc làm chậm các hoạt động của nền kinh tế, có phần phù hợp. Vì vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất cho đến khi rõ ràng là tình trạng lạm phát đã được kiểm soát.

Thế nhưng, nếu tiếp tục thắt chặt tiền tệ, không chỉ ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp sẽ rất khốn đốn trong nửa cuối năm nay?

Tôi mạnh dạn cho rằng, phá sản là kết quả tự nhiên của chính sách thắt chặt tiền tệ.

Đây là một sự điều chỉnh vĩ mô và nền kinh tế phải chấp nhận kết quả này. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang duy trì được công việc của họ. Chúng ta phải hiểu rằng, những doanh nghiệp không thể quản lý hiệu quả hoạt động của họ theo sự thay đổi của tình huống có thể gặp khó khăn và cần phải đóng cửa công việc của họ.

Việt Nam cần kiểm soát lạm phát vì tăng trưởng kinh tế ổn định dài hạn. Trong năm ngoái và nửa đầu năm nay, Việt Nam đã trải qua một hiện tượng bong bóng trong các hoạt động kinh tế.

Hoạt động kinh tế quá nóng đã làm tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng mạnh mẽ trong năm 2007. Để hiện thực hóa sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, chúng ta cần phải làm mát nền kinh tế vốn đang bị quá nóng. Vì vậy, hiện nay, Việt Nam cần điều chỉnh tốc độ mở rộng tín dụng mặc dù điều này có thể đẩy một số doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn về tài chính.

Chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa, nếu tiếp tục được áp dụng trong một thời gian nhất định có thể tạo được sự thay đổi về cấu trúc cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng đấy là một bước đi cần thiết để nền kinh tế Việt Nam tăng năng lực và hiệu quả quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu Việt Nam cứ cố gắng giữ những doanh nghiệp không hiệu quả trong thị trường, điều đấy có nghĩa là, nền kinh tế sẽ tiếp tục chấp nhận sự tồn tại của một phần không hiệu quả và sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng dài hạn.

Để “sống sót” trong môi trường cạnh tranh thế giới, nền kinh tế Việt Nam cần trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, Việt Nam cần tái cơ cấu hệ thống sản xuất và cách thức kinh doanh.

Nếu chúng ta mong muốn xây dựng cấu trúc kinh tế hiệu quả hơn cho đất nước, sự thay đổi về cơ cấu là cần thiết, mặc dù nó có thể gây ra những hậu quả không mong muốn chẳng hạn như phá sản. Nếu bạn muốn nhảy, bạn cần phải hạ thấp người xuống một chút để lấy đà, đây là hành động chuẩn bị cần thiết.

Lo ngại nhiều hơn về áp lực lạm phát

Nếu tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, các doanh nghiệp gặp khó khăn, liệu chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay có đạt được không, thưa ông?

Tôi lo ngại nhiều hơn về áp lực lạm phát hơn là tình trạng phá sản hay giảm sút tăng trường kinh tế trong ngắn hạn.

Lạm phát ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong dài hạn. Lạm phát ảnh hưởng đến người dân và đặc biệt những người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng trầm trọng hơn những người giàu. Nếu chúng ta cho phép lạm phát, tiềm năng tăng trưởng kinh tế sẽ bị hủy diệt.

Tiếp tục lạm phát sẽ làm đồng VND yếu đi so với các ngoại tệ khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại và có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ tiền tệ. Vì vậy, nếu tỷ lệ lạm phát gia tăng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải hứng chịu và có thể cắt giảm các nguồn đầu tư FDI và thoái vốn khỏi Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ lúc “thắt”, lúc “mở” gây khó cho doanh nghiệp trong việc hoạch định những chiến lược dài hơi. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Điều này cho thấy rằng có thể sự không nhất quán và thiếu minh bạch đã làm gia tăng sự biến động trên thị trường.

Vấn đề này xuất phát từ lĩnh vực tài chính và hệ thống tài chính chưa phát triển của Việt Nam. Vì vậy, rất cần thiết hiện thực hóa càng sớm càng tốt việc cải cách hệ thống ngân hàng theo định hướng của Nghị định 112 của Chính phủ.

Việt Nam cần chiến lược phát triển dài hạn, để chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt. Nếu các bạn có cơ sở hạ tầng tốt, sẽ tạo điều kiện cho đầu tư dài hạn và các họat động kinh tế hiệu quả hơn. Đầu tư dài hạn, cũng cần thiết phải có các nguồn lực vốn dài hạn.

Tại Việt Nam, kênh huy động vốn trong nước dài hạn còn khá hạn chế. Phần lớn nguồn vốn dài hạn là FDI và ODA từ nước ngoài. Vì vậy, rất cần phải giới thiệu cơ chế huy động tiền tiết kiệm hiệu quả từ dân chúng để tạo nguồn vốn trung và dài hạn.