01:36 26/04/2008

Lạm phát giảm tốc: Lạc quan ít, bi quan nhiều

Hoàng Vũ

Loạt giải pháp kiềm chế của Chính phủ bắt đầu có kết quả, nhưng còn nhiều áp lực ở phía trước

Lạc quan bước đầu về kết quả kiềm chế lạm phát tháng 4 này sẽ là xa xỉ trong những tháng tới?
Lạc quan bước đầu về kết quả kiềm chế lạm phát tháng 4 này sẽ là xa xỉ trong những tháng tới?
Loạt giải pháp kiềm chế của Chính phủ bắt đầu có kết quả, nhưng còn nhiều áp lực ở phía trước.

Tháng 4, đà tăng của lạm phát nằm trong dự báo trước đó, giảm tốc và thấp nhất kể từ đầu năm; tăng 2,2% so với các mức 2,38%, 3,56% và 2,99% lần lượt ba tháng trước đó.

Diễn biến trên trước hết được giải thích từ loạt chính sách mạnh, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ, bắt đầu phát huy tác dụng. Cơ sở này cũng đã được một số nhà quản lý dẫn đến khi nói về đà tăng của lạm phát trong tháng 3 trước đó.

Tại buổi thuyết trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chiều 25/4, số liệu về lạm phát tháng 4/2008 trở thành dữ liệu nóng và thu hút những bình luận nhất định. Và theo một ý kiến đánh giá, đó là một thành công bước đầu của Chính phủ.

“Có thể còn nhiều quan ngại, nhưng trong bối cảnh giá cả tăng cao cả trong và ngoài nước hiện nay, sự giảm tốc đó là một thành công”, ý kiến trên bình luận.

Trong khi đó, trong câu chuyện với VnEconomy, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (Chương trình Fulbright - Mỹ), lại cho rằng đó là một diễn biến thường thấy của giá cả sau mùa tiêu dùng cao điểm đầu năm mới. Và “cũng khó nói” về kết quả của những biện pháp kiềm chế của Chính phủ ở những dữ liệu trên.

Nếu xét về thành công, đó là kết quả được khẳng định trong bối cảnh lạm phát tháng 4 chịu nhiều tác động mạnh và tiêu cực.

Trong các nhóm hàng, lương thực - thực phẩm vẫn là đầu tàu tăng giá (nhóm lương thực tăng tới 6,11%), trước ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh, dịch tả tại khu vực Bắc Trung Bộ; cũng như cuộc khủng hoảng lương thực nhen nhóm trên thế giới.

Giá cả nguyên liệu, hàng hóa đầu vào trên thế giới tiếp tục tạo sức ép lớn. Nếu giá bán xăng dầu trong nước không được kiềm chế (theo định hướng chưa tăng đến hết tháng 6/2008), sức ép sẽ lớn hơn khi giá dầu thế giới lên tới gần 120 USD/thùng và luôn duy trì gần đỉnh này. Mặt khác, nếu giá các mặt hàng trọng điểm khác như than, điện, nước, một số mặt hàng vật liệu xây dựng… không được “ép” bình ổn, sẽ không có được kết quả khả quan trên.

Tuy nhiên, sự khả quan chỉ nằm trong so sánh với ba tháng trước đó, bởi tính chung bốn tháng đầu năm, lạm phát đã lên tới 11,6%, gần bằng mức của cả năm 2007.

Mức tăng 2,2% của tháng 4/2008 cũng là một đột biến so với những năm gần đây; tháng 4/2007 chỉ tăng 0,49%, tháng 4/2006 chỉ có 0,2%. Sự đột biến đó đi cùng với quan ngại thực sự về một thời kỳ mới. Nhiều khả năng năm nay sẽ chứng kiến một sự bùng nổ; mốc dự báo 15,6% cả năm 2008 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây có thể là khiêm tốn.

Đà tăng lạm phát năm 2008 vẫn còn tới 8 tháng để có những thay đổi. Liệu những giải pháp của Chính phủ có tiếp tục phát huy để kiềm chế?

Trước câu hỏi này, chuyên gia của IMF bình luận rằng Việt Nam đã khá nhanh chóng đúng hướng khi mạnh tay thắt chặt tiền tệ; may mắn hơn là sau đó được bổ sung bằng gói những giải pháp tổng thể khác. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt chặt bất ngờ đã gây biến động xấu trên thị trường tiền tệ, cụ thể là tháng 2/2008. Theo đó, khuyến nghị đưa ra là cần có một lộ trình từng bước, tránh gây sốc và cần được chia sẻ gánh nặng từ các biện pháp khác.

Gần đây, Chính phủ định hướng rà soát và dãn một số dự án công, tiết kiệm chi tiêu công, kêu gọi doanh nghiệp đầu ngành giảm chi phí sản xuất, hạn chế tăng giá bán sản phẩm…, bước đầu tạo cơ sở lạc quan cho thời gian tới.

Nhưng, sự dồn nén càng tạo thêm sức bật bùng nổ, đặc biệt là giá xăng dầu, giá các mặt hàng trọng điểm, khi sức chịu đựng và khả năng giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp có giới hạn. Mặt khác, yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp lại phải đảm bảo kinh doanh không lỗ.

Trong chính sách tiền tệ, định hướng từng bước thực hiện lãi suất thực dương cũng là một áp lực. Nếu tính bình quân 4 tháng đầu năm, lạm phát đã gần 3%/tháng, trong khi lãi suất huy động VND cao nhất chỉ là 1%/tháng. Nếu tính theo cả năm, với khả năng lạm phát lên tới trên 15%, trần lãi suất thỏa thuận 11%/năm còn giữ được bao lâu?

Và khi lãi suất huy động “thực dương”, lãi suất cho vay đầu ra tăng cân đối, chi phí sản xuất và tiêu dùng lại tăng cao, sự lạc quan bước đầu về kết quả kiềm chế lạm phát trong tháng 4 này sẽ trở nên xa xỉ.