Làn sóng sa thải công nghệ đang tràn sang quốc gia đông dân nhất thế giới?
Bối cảnh sa thải nhân viên công nghệ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, tháng 4 chứng kiến hơn 20 nghìn người lao động mất việc làm. Các công ty Ấn Độ dường như cũng đang gồng mình đối mặt sóng gió, theo Indian Express…
Dựa trên dữ liệu từ layoffs.fyi, tháng 4/2024 chứng kiến hơn 21.473 nhân viên bị sa thải đến từ 50 công ty khác nhau.
Tesla của tỷ phú Elon Musk, dịch vụ giao hàng tức thời Getir đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và đại gia Apple là ba công ty hàng đầu sa thải nhiều nhân viên nhất. Trong khi Tesla sa thải tới 14.000 việc làm thì Apple sa thải gần 600 nhân viên. Mặt khác, Getir quyết định ngừng hoạt động tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Châu Âu, ảnh hưởng đến hơn 6.000 việc làm.
Tính trong năm 2024, có tới 271 công ty sa thải 78.572 nhân viên. Vào tháng 1, 122 công ty sa thải 34.107 nhân viên. Vào tháng 2, 78 công ty sa thải 15.589 nhân viên và vào tháng 3, 37 công ty sa thải 7.403 nhân viên. Trong khi tháng 3 chứng kiến tỷ lệ giảm thì đến tháng 4, con số lại tăng đột biến.
Dựa trên báo cáo của The New York Times, đợt cắt giảm việc làm gây sốc tại Tesla xảy ra vào thời điểm công ty đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng và doanh số bán hàng sụt giảm. Phóng viên The New York Times ví những thay đổi trong chiến lược quản lý của Tesla là lời cảnh tỉnh về suy nghĩ khó lường của Elon Musk, CEO công ty.
Được biết, vị tỷ phú vẫn chưa vạch ra kế hoạch rõ ràng nào nhằm cải thiện tình trạng doanh số bán ô tô sụt giảm mà thay vào đó chỉ tập trung cho một số “dự án dài hạn” như taxi tự lái.
Mặt khác, Getir, từng là startup tăng trưởng thần tốc, đang gánh chịu diễn biến suy thoái nhanh chóng của ngành thương mại điện tử. Vào ngày 29/4, công ty khởi nghiệp đã có thời điểm được định giá tới 12 tỷ USD thông báo ngừng hoạt động trên khắp Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Châu Âu và sẽ chỉ tập trung vào sân nhà Thổ Nhĩ Kỳ.
LÀN SÓNG SA THẢI TRÀN SANG ẤN ĐỘ
Song song với bối cảnh thế giới, một số công ty công nghệ Ấn Độ cũng quyết định cho thôi việc hàng trăm nhân viên. Vào ngày 27/4, startup medtech Healthify có trụ sở tại Bengaluru tuyên bố sa thải khoảng 150 nhân viên, tương đương 27% lực lượng lao động. Quyết định sa thải được cho là kết quả của cuộc tái cơ cấu, đa số nhân viên chịu ảnh hưởng là thành viên nhóm bán hàng và sản phẩm.
Ngày 18/4, công ty chuyên về content e-commerce Good Glamm Group sa thải tới 150 nhân viên. Tổ chức cho biết đã đặt ra khuôn khổ mới giúp hợp lý hóa hoạt động vận hành, qua đó loại bỏ một số vị trí dư thừa trong năm qua. Tương tự, ngày 10/4, công ty khởi nghiệp Scaler sa thải khoảng 150 nhân viên, lấy lý do phục vụ mục tiêu tăng trưởng lâu dài và bền vững.
Trước đó, ngày 6/4, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng sạc xe điện Bolt.Earth có trụ sở tại Bengaluru công bố hoạt động tái cơ cấu tác động đến khoảng 70 đến 100 vị trí việc làm. Đây là hoạt động tái cơ cấu lần thứ hai của công ty chỉ trong vòng bốn tháng. Vào ngày 2/4, kỳ lân nổi tiếng Byju's tuyên bố sa thải gần 500 nhân viên, chiếm 3% trong tổng số 15.000 lực lượng công ty như một phần kế hoạch tái cơ cấu.
NGƯỜI TRONG NGÀNH NHẬN ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
Từ tình trạng tuyển dụng tràn lan trong đại dịch đến bối cảnh suy thoái kinh tế hiện tại và thời kỳ bùng nổ của công nghệ AI, những lý do đằng sau làn sóng sa thải gần đây rất đa dạng.
“Hầu hết quyết định sa thải đều xảy ra trong ngành công nghệ, là hệ quả của hoạt động tuyển dụng hàng loạt thời kỳ đại dịch COVID-19”, ông Jayanth Murthy, Giám đốc Điều hành chung khu vực Nam Á và Châu Phi thuộc Viện Kaizen, cho biết việc tuyển dụng quá mức cùng với thời kỳ suy thoái và lạm phát biến động trong vài năm qua đã dẫn đến làn sóng sa thải kéo dài trong ngành.
CEO Murthy cũng nhận định với sự ra đời và phát triển nhanh chóng của AI, các công ty đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh và hợp lý hóa chuỗi vận hành hiệu quả với xu hướng đầu tư vào tiến bộ công nghệ. Điều này làm giảm nhu cầu về con người, đồng thời thay thế công việc bằng các dịch vụ AI.
Làm rõ hơn, ông Murthy nói thêm: “Một yếu tố quan trọng góp phần dẫn đến tình trạng sa thải việc làm là chiến lược thuê nhân lực từ bên ngoài của công ty, thường được thúc đẩy bởi mục tiêu cắt giảm chi phí vì đôi khi duy trì lực lượng toàn thời gian có thể trở thành gánh nặng tài chính”.
Phần lớn công ty Ấn Độ đều lấy lý do sa thải nhân viên là tái cơ cấu tổ chức và thay đổi các mục tiêu ưu tiên, một số thừa nhận không thể đối phó với nguy cơ từ suy thoái kinh tế.
“Trong lịch sử, các công ty dịch vụ CNTT Ấn Độ đã chứng kiến tình trạng sa thải nhân viên, nhưng đồng thời cũng liên tiếp tục bổ sung thêm việc làm cùng lúc. Tổ chức sa thải một số nhân viên có kỹ năng dư cung hoặc nhu cầu giảm, nhưng phải bổ sung thêm việc làm ở một số bộ phận dự kiến tăng trưởng hoặc mở rộng phân khúc. Đây chính là lý do khiến xu hướng hiện nay trở nên nổi bật. Việc 4 công ty CNTT hàng đầu cắt giảm tổng số nhân viên là rất bất thường và đáng lo ngại”, bà Sabina Dewan, Chủ tịch kiêm CEO JustJobs nhận xét diễn biến đợt sa thải lần này hoàn toàn khác so với trước đây.
Bà Dewan nói thêm rằng việc áp dụng AI nhanh chóng đang làm gián đoạn nhiều việc làm trong lĩnh vực CNTT, vốn từ lâu đã là nền tảng cho các công ty công nghệ. Ngoài ra, biến động đầu tư do lạm phát cũng ảnh hưởng tới mức độ ổn định của ngành.
ĐỨNG LÊN VÀ BƯỚC TIẾP
Trong khi cơn bão sa thải gây ra nỗi tuyệt vọng cho hàng triệu người, một số nhân viên công nghệ vẫn tỏ ra lạc quan. Giới chuyên gia cho rằng nỗi đau tạm thời sẽ mở đường cho nhiều kết quả tốt hơn cho ngành trong tương lai. Đây cũng được coi là bài học cho nhiều công ty nên chuyển hướng tập trung vào mục tiêu tạo ra sản phẩm có tác động mạnh mẽ và đảm bảo tính kinh tế đơn vị bền vững.
“Các công ty cần ưu tiên xây dựng sản phẩm và dịch vụ có thể giải quyết vấn đề và tạo ra tác động đáng kể. Bất kỳ hoạt động kinh doanh hoặc sản phẩm nào yêu cầu số lượng tiếp thị/hoàn tiền/phần thưởng vô tận để hỗ trợ tăng trưởng doanh thu mà không mang tính kinh tế tích cực sẽ dẫn đến tình trạng đốt tiền mặt cao”, ông Jitin Bhasin, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành SaveIN, cho biết các công ty phải vạch ra ranh giới rõ ràng về vấn đề này.
Ông Bhasin cũng khuyến nghị bắt buộc phải có những cuộc trò chuyện rõ ràng và minh bạch với nhân viên để hướng tập thể tới mục tiêu dài hạn và giúp họ hiểu rõ hơn lý do căn bản đằng sau một số quyết định quan trọng bao gồm ưu tiên sản phẩm và cân nhắc chi phí.
Lưu ý tương tự, CTO Sellergize Kamil Khan, đề xuất: “Tình trạng sa thải có thể giảm bớt bằng một số giải pháp thay thế như cắt giảm lương tạm thời, kiểm toán chi tiêu, quản lý tiền mặt và thực hiện công việc từ xa để tiết kiệm chi phí văn phòng. Công ty cũng có thể tránh sa thải bằng cách đầu tư vào phát triển nhân tài thông qua chương trình đào tạo và học việc. Hợp tác với các tổ chức giáo dục giúp tiếp cận nguồn lao động lành nghề, thúc đẩy sự phát triển chung”.
Với tình trạng sa thải nhân viên đang diễn ra hiện tại, ngành công nghệ phải đối mặt với thực tế mới. Nhiều người lo ngại về việc AI sẽ thay thế việc làm, tình hình kinh tế lại chưa có dấu hiệu khởi sắc. Các chuyên gia kêu gọi các công ty chuyển trọng tâm vào việc tạo ra giá trị thông qua giải pháp có ý nghĩa và tăng trưởng bền vững, thậm chí có thể tăng cường phúc lợi của nhân viên để vượt qua cơn bão.