Làn sóng vỡ nợ 17 tỷ USD của doanh nghiệp Trung Quốc trong 2019
Một “bài kiểm tra” đối với khả năng của Chính phủ Trung Quốc trong việc giữ ổn định tài chính trong bối cảnh kinh tế giảm tốc
Trung Quốc đang tiến tới hoàn tất một năm kỷ lục nữa về các vụ vỡ nợ trái phiếu mà các doanh nghiệp của nước này phát hành trong nước. Làn sóng vỡ nợ này được xem là một "bài kiểm tra" đối với khả năng của Chính phủ Trung Quốc trong việc giữ ổn định tài chính trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc và doanh nghiệp chật vật xoay sở với mức nợ cao chưa từng thấy.
Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập được, từ đầu tháng 11 tới nay, có ít nhất 15 vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc, nâng tổng giá trị vỡ nợ từ đầu năm lên 120,4 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 17,1 tỷ USD. Kỷ lục vỡ nợ hiện tại của doanh nghiệp Trung Quốc được thiết lập vào năm 2018, khi có 121,9 tỷ trái phiếu bị vỡ nợ.
Lượng trái phiếu bị vỡ nợ nói trên là một lượng rất nhỏ so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp 4,4 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc, nhưng vẫn làm gia tăng mối lo về ảnh hưởng tiêu cực lan rộng bởi nhà đầu tư không thể biết những công ty nào có thể được Bắc Kinh ra tay giải cứu.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng giữ một thế cân bằng mong manh: một mặt họ cố gắng giảm bớt sự đảm bảo ngầm từ lâu bị xem là nguyên nhân khiến thị trường nợ của nước này bị bóp méo; mặt khác họ không muốn nền kinh tế vốn đã bị thương chiến Mỹ-Trung kéo tụt tăng trưởng chịu thêm sức ép.
"Chính quyền nhận thấy rằng cứu tất cả các công ty là một việc rất khó", nhà phân tích Wang Ying thuộc Fitch Ratings nhận xét.
Các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc năm nay xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì chỉ tập trung ở một số ngành, từ các công ty phát triển bất động sản, tới các nhà sản xuất thép và doanh nghiệp phần mềm, từ công ty tư nhân tới doanh nghiệp nhà nước và bộ phận kinh doanh của các trường đại học.
Những dấu hiệu đáng lo ngại cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường trái phiếu mà doanh nghiệp Trung Quốc phát hành ở nước ngoài - thị trường cho đến nay vững vàng hơn.
Tewoo, một công ty giao dịch hàng hóa cơ bản ở Thiên Tân, đang có khả năng đánh dấu vụ vỡ nợ lớn nhất của một công ty Trung Quốc trên thị trường trái phiếu USD trong hơn 2 thập kỷ qua. Mới đây, Tewoo đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu nợ bao gồm những khoản thua lỗ lớn cho nhà đầu tư, hoặc nhà đầu tư phải chấp nhận chuyển đổi sang trái phiếu mới với mức lãi thấp hơn nhiều. Rất có thể Tewoo sẽ vỡ nợ số trái phiếu USD trị giá 300 triệu USD vào ngày 16/12.
Mặc dù vậy, giới phân tích nói rằng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ mang tính hệ thống của Trung Quốc là rất thấp ở thời điểm này.
"Tôi không cho đây là một bước ngoặt xấu", chuyên gia trái phiếu Todd Schubert thuộc Bank of Singapore nhận xét. "Trung Quốc là một thị trường lớn với nhiều nhà phát hành. Trong một thị trường vốn hoạt động, xảy ra vỡ nợ cũng là chuyện tự nhiên".
Theo dự báo của S&P Global Ratings đưa ra hồi tháng 11, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu phát hành trong nước của doanh nghiệp Trung Quốc năm nay sẽ giữ ở mức 0,5% của năm ngoái.
Trong một báo cáo ra ngày 3/12, Fitch cho biết tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu do doanh nghiệp thuộc khối tư nhân ở Trung Quốc phát hành là 4,5% trong 10 tháng đầu năm nay, một con số cao kỷ lục. Nhưng Fitch cho rằng con số này có thể chưa phản ánh đầy đủ thực trạng bởi có những công ty vỡ nợ trái phiếu nhưng âm thầm dàn xếp được với chủ nợ. Đối với khối quốc doanh, tỷ lệ vỡ nợ trong 10 tháng là 0,2%, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và khả năng tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn từ các ngân hàng, theo Fitch.
Năm ngoái, khối nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đã lên tới 165% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Đối mặt với thực trạng như vậy, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhiều khả năng sẽ cho phép có thêm những vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra nhằm gia tăng kỷ luật đối với các nhà phát hành và nhà đầu tư.
"Số vụ vỡ nợ tăng nên là một phần tự nhiên của chu kỳ thị trường tín dụng", bà Anne Zhang, trưởng bộ phận trái phiếu châu Á của JPMorgan Private Bank, nhận định. "Đây là một việc tốt đối với thị trường trong dài hạn, để phát triển một cơ chế định giá phù hợp, phản ánh đúng rủi ro".
Mặc dù vậy, theo bà Cindy Huang, nhà phân tích thuộc S&P Global Ratings, quy trình này sẽ êm ái hơn cho nhà đầu tư nếu các nhà hoạch định chính sách có thể cải thiện sự minh bạch xung quanh các vụ vỡ nợ.
"Cho tới nay, các vụ vỡ nợ và khả năng thu hồi vốn là điều không thể đoán trước", bà Huang nói. "Điều này sẽ cản trở nền tin của thị trường và làm suy yếu sự phát triển lành mạnh của thị trường tín dụng Trung Quốc".