16:13 05/08/2019

Lãnh đạo Hồng Kông cảnh báo người biểu tình về “tình thế rất nguy hiểm”

An Huy

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam tuyên bố thành phố này đang bên bờ vực của một “tình thế rất nguy hiểm”

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam trong cuộc họp báo sáng 5/8 - Ảnh: Bloomberg.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam trong cuộc họp báo sáng 5/8 - Ảnh: Bloomberg.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam ngày 5/8 tuyên bố thành phố này đang bên bờ vực của một "tình thế rất nguy hiểm".

Theo hãng tin CNBC, phát biểu trên được bà Lam đưa ra trong một cuộc họp báo trong bối cảnh trung tâm tài chính của châu Á rơi vào tê liệt vì một cuộc tổng bãi công và biểu tình tiếp diễn.

Phong trào biểu tình kéo dài gần 3 tháng qua đã đẩy Hồng Kông vào một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tiền lệ. Theo một số ước tính, hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình từ đầu tháng 6 để bày tỏ sự phản đối nhằm vào một dự luật lần đầu cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục xét xử.

Dự luật này đã bị hoãn lại, nhưng chưa bị xóa bỏ hoàn toàn, nên chưa thỏa mãn yêu cầu của người biểu tình. Ngoài ra, người biểu tình cũng kêu gọi bà Lam - người được Trung Quốc đại lục ủng hộ - phải từ chức.

Trong cuộc họp báo ngày thứ Hai, bà Lam nhấn mạnh rằng người biểu tình đã đi quá vấn đề dự luật dẫn độ. Bà nói "sự hỗn độn trên diện rộng dưới danh nghĩa một số yêu cầu nhất định" đã "xói mòn nghiêm trọng luật pháp và trật tự của Hồng Kông".

Nhà lãnh đạo Hồng Kông xem sự gián đoạn giao thông, bao gồm tình trạng tắc nghẽn các tuyến đường chính của thành phố trong ngày thứ Hai vì tổng bãi công, như một bằng chứng cho thấy thành phố đang chịu ảnh hưởng rõ rệt từ phong trào biểu tình.

Bà Lam tuyên bố chính quyền Hồng Kông sẽ có biện pháp cứng rắn đối với biểu tình: "Chính quyền sẽ quyết tâm trong việc duy trì luật pháp và trật tự ở Hồng Kông và lập lại niềm tin", bà nói.

Bà Lam bác bỏ những "tin đồn thất thiệt" rằng quân đội Trung Quốc đã được đưa tới Hồng Kông để giúp kiểm soát biểu tình. Những tin đồn này rộ lên gần đây sau khi Bắc Kinh đưa ra cảnh báo về biểu tình ở Hồng Kông và quân đội Trung Quốc (PLA) tuần trước công bố một đoạn video có nội dung cam kết bảo vệ "sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông".

Phát biểu ngày 5/8, bà Lam cũng thể hiện quyết tâm không từ chức, bất chấp những lời kêu gọi của người biểu tình.

Hôm 1/7, một nhóm người biểu tình đã đột nhập vào tòa nhà của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo), tức nghị viện của vùng lãnh thổ, và có hành vi đập phá. Cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền thành phố và Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối hành động này, nhưng tình hình tiếp tục xấu đi sau đó.

Nhiều bản tin và hình ảnh ghi tại hiện trường các cuộc biểu tình cho thấy cảnh sát Hồng Kông dùng biện pháp bạo lực để trấn áp biểu tình. Điều này càng gia tăng mức độ giận dữ của công chúng đối với chính quyền.

Trong vòng 1 tháng qua, nhiều người biểu tình đã bị cảnh sát Hồng Kông bắt vì những tội danh như phá hoại, tụ tập trái phép, có hành vi bạo lực… Những vụ bắt giữ như vậy càng làm suy giảm niềm tin giữa người dân với chính quyền.

Ngày 5/8, người biểu tình Hồng Kông tiến hành một cuộc tổng bãi công nhằm đẩy thành phố vào tình trạng tê liệt. Hàng trăm chuyến bay ra, vào Hồng Kông đã bị hủy, dịch vụ tàu điện ngầm của thành phố có thời điểm bị gián đoạn.