15:10 06/12/2017

Lao động công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam dễ mất việc nhất vì 4.0

Bạch Dương

74% số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam được cho là có mức độ rủi ro cao, dễ bị thay thế do tự động hóa

Lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo đa phần có trình độ thấp nên có nguy cơ bị thay thế cao.
Lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo đa phần có trình độ thấp nên có nguy cơ bị thay thế cao.

Ban Kinh tế Trung ương vừa có một báo cáo chi tiết về chủ đề Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm chủ biên.

Báo cáo nhận định, Việt Nam sẽ là nước chịu tác động rất mạnh mẽ bởi cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn được gọi là cách mạng 4.0, trong đó lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam được cho là có nguy cơ bị máy móc đào thải với tỷ lệ cao nhất khu vực ASEAN.

Báo cáo dự đoán, sẽ có 74% số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, dễ bị thay thế do tự động hóa. Con số này cao hơn so với các nước trong khu vực như Phillipines (54%), Thái Lan (58%) và Indonesia (67%).

"Bản chất ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện không có hiệu suất cao, lao động sử dụng không thông qua đào tạo chuyên sâu, chủ yếu lao động lắp ráp, chế biến giản đơn ở những công đoạn có thể dùng máy móc thay thế", Ban Kinh tế Trung ương nêu.

Những năm qua, bức tranh công nghiệp Việt Nam đã có những chuyển dịch, khi tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo so với toàn ngành công nghiệp tăng từ 49,8% năm 2010 lên 50,5% vào năm 2015.

Công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện đã giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động. Tổng số lao động của ngành chế biến chế tạo năm 2010 là 6,6 triệu người, chiếm 13,5% trong tổng lao động cả nước; năm 2015, con số này đã tăng lên thành 8 triệu người, tương ứng với 15,3% trong tổng số lao động toàn quốc. Lao động trong ngành chế biến chế tạo chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo.

Trong khi đó, một bản báo cáo tham vấn của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ ra hai chiều hướng mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể tác động đến việc làm.

Chiều hướng thứ nhất, cách mạng công nghiệp có thể phá vỡ cấu trúc lực lượng lao động, dẫn tới lao động dư thừa do sự thay thế lao động bằng các robot. Tiến bộ công nghệ dẫn đến sự dịch chuyển của bản chất công việc từ sử dụng lao động thủ công sang lập trình và kiểm soát một cách tự động.

"Lao động trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ rất lớn bị mất việc làm do tác động của cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, lao động sản xuất theo dây chuyền lắp ráp, gia công sẽ bị ảnh hưởng trước tiên vì khả năng dễ dàng trong việc sử dụng robot trong hầu hết tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất", báo cáo nêu.

Theo đó, sẽ có sự suy giảm đáng kể số lượng việc làm trong các lĩnh vực hành chính, chế biến chế tạo và xây dựng trong giai đoạn từ 2015 đến 2020.

Chiều hướng thứ hai, tích cực hơn, là cuộc cách mạng công nghiệp sẽ có thể tạo ra nhiều việc làm hơn là số lượng đã bị mất đi. Mặc dù có sự suy giảm về số lượng việc làm trong một số ngành sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, cách mạng công nghiệp sẽ giúp các ngành có hàm lượng sáng tạo cao phát triển và tạo ra nhiều việc làm mới.

"Tiến bộ công nghệ dẫn đến sự dịch chuyển của bản chất công việc từ sử dụng lao động thủ công sang lập trình và kiểm soát một cách tự động bằng máy móc có hiệu năng cao. Khi đó, người lao động chủ yếu đảm nhiệm việc quản lý hệ thống máy móc thay vì tham gia trực tiếp vào", theo Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ban Kinh tế Trung ương nhận xét, cho đến giờ, chưa thể chắc chắn chiều hướng nào sẽ chiếm ưu thế trong tương lai, nhưng trong tương lai gần, cả các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển đều phải đối mặt với một xu hướng chung là những việc làm với mức lương thấp và những người công nhân không có kỹ năng cao sẽ đứng trước nguy cơ lớn bị thay thế trong quá trình tự động hóa.

Tại Việt Nam, dệt may và điện tử hiện là những ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động, và cũng là hai ngành có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong những năm gần đây.

"Lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ rất lớn bị mất việc làm do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp. Trong đó, lao động trong các ngành sản xuất theo dây chuyền lắp ráp và gia công sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng trước tiên vì khả năng dễ dàng trong việc sử dụng robot trong hầu hết tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất", theo Ban Kinh tế Trung ương.