19:17 14/11/2019

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải trả phí quá cao

Nhật Dương

Người lao động đang phải trả 2 lần phí dịch vụ, bao gồm cả cho môi giới trong nước và sở tại

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau vụ 39 nạn nhân người Việt tử vong khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh, câu chuyện làm sao để người lao động di cư an toàn hơn là vấn đề được nhiều chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm "Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài" chiều 14/11.

Lựa chọn đi "chui" vì phí cao?

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Luật 72), hiện có 4 hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm: làm việc ở nước ngoài thông qua hợp đồng các công ty dịch vụ; hợp đồng cá nhân; các doanh nghiệp trúng thầu dự án ở nước ngoài và doanh nghiệp đưa lao động đi; đi theo diện đào tạo nghề.

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc nhiều lao động vẫn chọn con đường đi bất hợp pháp, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, bên cạnh lý do là người lao động muốn kiếm thu nhập cao hơn thì cũng phải kể đến hiện cũng có một số doanh nghiệp thu phí dịch vụ xuất khẩu lao động cao hơn so với mặt bằng chung.

Thừa nhận có thực tế này, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phụ trách Chương trình Lao động di cư của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam đánh giá, lao động ở Việt Nam đi ra nước ngoài làm việc chủ yếu thông qua các doanh nghiệp, dịch vụ thì phải trả phí cao nhất trong khu vực.

"Khi chúng tôi phỏng vấn các lao động, họ chia sẻ rằng vì phải trả chi phí cao, vay mượn tiền để được đi nên họ bắt buộc phải tìm kiếm cơ hội có việc làm thu nhập cao hơn. Trong khi đó, ở nước ngoài, vẫn có chủ sử dụng lao động sẵn sàng tuyển những lao động không có giấy tờ hợp pháp, nên việc bỏ trốn ra ngoài vẫn xảy ra", bà Thủy cho biết.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Vân Hà cho rằng, tâm lý mong muốn đi nhanh của người lao động còn khá phổ biến, thậm chí là không muốn học, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn muốn đi. Do đó, vẫn có lao động chấp nhận bỏ phí cao để vượt qua các vòng sơ tuyển của doanh nghiệp dịch vụ.

Cần nỗ lực giảm chi phí dịch vụ

Trước tình trạng vẫn còn nhiều lao động ở các tỉnh đi lao động "chui" qua các nước, bà Trần Thị Vân Hà thừa nhận, đây là thực trạng khá trăn trở với địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước. 

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn địa phương kí các hợp đồng liên kết để người lao động ra nước ngoài làm việc theo khuôn khổ. "Chúng tôi có khuyến nghị cho địa phương tuyên truyền mạnh hơn để người lao động biết, đặc biệt là các nước Anh, Úc, Mỹ… là các loại hình visa có thể định cư lâu dài", bà Hà lưu ý.

Bên cạnh đó, theo bà Hà, việc sửa đổi Luật số 72 về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ xem xét các vấn đề này. Vì hiện nay, dù có 4 hình thức chính, nhưng thực tiễn đã có phát sinh các hình thức mới, như hợp tác giữa các địa phương 2 nước, hoặc việc nhiều công dân đi ra nước ngoài hợp pháp tự tìm được việc làm.

Đồng thời, sẽ thắt chặt nhiệm vụ, quy trình tuyển chọn, công tác đào tạo của doanh nghiệp phái cử, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp nước sở tại và Công ước quốc tế.

"Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực giảm chi phí dịch vụ, bằng việc tăng cường hành lang pháp lý để đảm bảo lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp phái cử. Luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2020", bà Hà thông tin thêm.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia ILO Nguyễn Thị Mai Thủy đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải giảm thiểu các chi phí dịch vụ đối với người đi lao động nước ngoài. Việc này cũng giúp cho các doanh nghiệp tuyển dụng có đạo đức hơn, phát triển lâu dài và bền vững.

Theo bà Thủy, chúng ta vẫn còn rất nhiều điểm chưa hợp lí trong vấn đề chi phí đi lao động nước ngoài, đặc biệt là phí môi giới. Trên thực tế, người lao động Việt Nam đang phải trả 2 lần phí dịch vụ, bao gồm việc trả tiền cho môi giới ở trong nước và ở nước sở tại, nhưng để bảo vệ quyền lợi người lao động lại rất khó khăn.

Do đó, cần sự phối hợp từ các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và nước sở tại lao động tới làm việc.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đề xuất cơ quan chức năng cần siết quản lý mạnh mẽ hơn việc lao động trái phép. Những đường dây buôn người, đưa người lao động đi làm việc bất hợp pháp cần điều tra và triệt phá.