Liên kết thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội 5 địa phương của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây
Hội nghị cấp cao 5 địa phương của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan về liên kết Hành lang kinh tế Đông-Tây 2 (EWEC2), với chủ đề “Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, kết nối và hội nhập”...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đánh giá thời gian qua, việc khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trên EWEC 2 ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các di sản văn hóa thế giới, tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn tài nguyên, đất đai, nhân lực của các địa phương; tạo thuận lợi cho thương mại, vận tải hành khách, hàng hóa xuyên biên giới các nước nằm trên tuyến hành lang và thông thương ra bên ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch xuyên quốc gia; liên kết kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, đó là kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến hành lang còn chưa đồng bộ, nhiều điểm đã xuống cấp; trao đổi thương mại, hàng hóa giữa các địa phương chưa sôi động; du lịch chưa khởi sắc. Bên cạnh đó là chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao; thủ tục hành chính giữa các nước chưa thống nhất, còn rườm rà; cơ chế phối hợp giữa các địa phương trên toàn tuyến vẫn còn tồn tại bất cập.
Nhằm khai thác tối đa hiệu quả vai trò của EWEC 2 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây 2.
Theo đó, các địa phương trên tuyến hành lang cần nỗ lực tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là quốc lộ 14D và nghiên cứu, đề xuất chính phủ các nước đi đến thống nhất áp dụng các thủ tục hành chính, hải quan, phí, lệ phí qua các cửa khẩu…để tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi cho du lịch đường bộ trên tuyến được thông suốt hơn.
Về phía địa phương, Chủ tịch Lê Trung Chinh cho biết Đà Nẵng sẽ nỗ lực kêu gọi đầu tư, liên kết xây dựng hạ tầng hệ thống logistics hiện đại nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên tuyến EWEC; đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến phát triển lĩnh vực logistics, kết nối đầu tư sang các tỉnh Nam Trung Lào; mở rộng phạm vi thu hút nguồn hàng hoá đối với thị trường khu vực Tây Nguyên và EWEC 2.
“Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, xây dựng hệ thống mạng thông tin (cơ sở dữ liệu) cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các địa phương trên EWEC nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tra cứu các thủ tục hành chính, thuế suất, thủ tục xuất nhập khẩu… liên quan đến từng mặt hàng", Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định.
Ông Lê Trung Chinh cũng đề nghị các địa phương của Lào nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong các lĩnh vực. Các doanh nghiệp Lào cần tăng cường việc trao đổi hàng hóa, cung cấp nguyên vật liệu và nông sản cho Việt Nam.
Cùng với đó, TP. Đà Nẵng cũng sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Đà Nẵng và tỉnh Ubon Ratchathani trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Lê Trung Chinh, để thúc đẩy phát triển du lịch xuyên biên giới, tăng cường kết nối các điểm du lịch của các địa phương trên tuyến, các doanh nghiệp lữ hành của các địa phương cần chủ động phối hợp quảng bá điểm đến, xây dựng các tuyến du lịch, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng vì khu vực Nam Lào có vai trò kết nối vùng trọng điểm du lịch các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với vùng đông bắc Thái Lan qua tỉnh Ubon Ratchathani có tiềm năng rất lớn để phát triển các loại hình du lịch này.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức các đoàn xúc tiến, kết nối thương mại, đầu tư tại các tỉnh Nam Trung Lào, tỉnh Ubon Rachathani của Thái Lan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội 5 địa phương của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.