18:04 04/01/2023

Liên tục tăng tải, vé máy bay Tết vẫn khan hiếm, giá leo cao ngất ngưởng

Ánh Tuyết

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, giá vé tết vẫn ở mức cao ngất ngưởng, một số chặng tuỳ thời điểm “cháy" vé từ sớm, dù Cục Hàng không Việt Nam và các hãng bay ráo riết bổ sung slot, tăng ghế cung ứng, tăng cường bay đêm...

Nhiều đường bay có tỷ lệ đặt chỗ trên 90% vào các ngày sát Tết.
Nhiều đường bay có tỷ lệ đặt chỗ trên 90% vào các ngày sát Tết.

Cục Hàng không Việt Nam vừa thông tin tình hình đặt chỗ trên các đường bay nội địa dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số liệu tính đến ngày 3/1 theo báo cáo từ các hãng hàng không.

NHIỀU CHẶNG BAY KÍN 90% CHỖ

Cụ thể, tỷ lệ đặt chỗ cao tập trung vào các ngày trước Tết Âm lịch 2023 là ngày 14,15,16,17,18,19/1/2023 trên các chặng bay xuất phát từ Tân Sơn Nhất đi các Cảng hàng không miền Trung, miền Bắc như: TP. Hồ Chí Minh-Đà Nẵng (66-79%), TP. Hồ Chí Minh-Hải Phòng (66-90%), TP. Hồ Chí Minh-Huế (61-91%), TP. Hồ Chí Minh-Thanh Hóa (87-93%), TP. Hồ Chí Minh-Phù Cát (91-92%), TP. Hồ Chí Minh-Chu Lai (65-94%); TP. Hồ Chí Minh-Đồng Hới (81-89%), TP. Hồ Chí Minh-Vinh (81-92%).

Tại các chặng ngược lại, tỷ lệ đặt chỗ tập trung cao vào các ngày sau Tết Âm lịch 2023 là các ngày từ 26-30/01/2023 trên các chặng bay như: Đà Nẵng-TP. Hồ Chí Minh (71-86%), Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh (48-87%), Hải Phòng-TP. Hồ Chí Minh (84-92%), Huế-TP. Hồ Chí Minh (75-91%), Thanh Hóa-TP. Hồ Chí Minh (81-92%), Phù Cát-TP. Hồ Chí Minh (91-92%), Chu Lai-TP. Hồ Chí Minh (63-70%), Đồng Hới-TP. Hồ Chí Minh (55-89%), Vinh-TP. Hồ Chí Minh (69-90%).

 

Tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang có xu hướng tăng nhanh và nhiều đường bay có tỷ lệ đặt chỗ trên 90% vào các ngày sát Tết.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết sau khi Cục cấp phép bổ sung trên cơ sở tham số điều phối slot được bổ sung tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào các khung giờ ngày và đêm, các hãng hàng không đã tăng đáng kể ghế cung ứng trên hầu hết các đường bay từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

Số ghế cung ứng được tăng đặc biệt vào các ngày cao điểm cận Tết Nguyên đán và các ngày sau Tết Âm lịch trên các đường bay chiều ngược lại.

Tết Nguyên đán 2023 là thời điểm "bội thu" của ngành hàng không khi số lượng người lao động, sinh viên tại các thành phố lớn đổ về quê ăn Tết sau hơn 2 năm phải ở lại thành phố vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, giá vé máy bay vẫn ở mức cao ngất ngưởng.

Chẳng hạn, một trong những chặng bay có tỷ lệ "cháy vé" sớm nhất là chặng TP. Hồ Chí Minh - Thanh Hóa. Khảo sát giá vé máy bay trong đợt cao điểm từ ngày 16-20/1 (tức 25-29 tháng Chạp) của hãng Vietnam Airlines cho thấy giá vé đang được bán với giá hơn 6 triệu đồng, áp dụng với vé hạng thương gia còn "cháy" vé phổ thông. Trong khi đó, những ngày sau tết, giá vé chặng này giảm sâu gần 10 lần, chỉ còn hơn 650 nghìn đồng. 

Chặng bay TP. Hồ Chí Minh - Thanh Hóa "cháy vé" sớm và giá cao ngất ngưởng.
Chặng bay TP. Hồ Chí Minh - Thanh Hóa "cháy vé" sớm và giá cao ngất ngưởng.

Trong khi đó, hãng Vietjet Air còn hết sạch vé các hạng với chặng bay trên từ 16-19/1 (tức 25-28 tháng Chạp). Hãng hiện còn một số vé bay đêm từ ngày 20/1 (tức 29 tháng Chạp) với giá từ 3-4 triệu đồng.

Gần đây, Vietnam Airlines tăng chuyến lần thứ 3 để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023. Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay giữa TP. Hồ Chí Minh-Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Đồng Hới, Chu Lai; Thanh Hóa - Đà Lạt.

Ngoài ra, hãng dự kiến sẽ tăng thêm 36.000 chỗ tương đương 200 chuyến bay trên đường TP. Hồ Chí Minh-Thanh Hóa trong giai đoạn 15/1-5/2/2023 (tức từ 24 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 15 tháng Giêng năm Quý Mão) sau khi được Cục Hàng không cấp phép. Trước đó, Vietnam Airlines từng có 2 đợt tăng tải vào tháng 8 và 12/2022 phục vụ dịp Tết, cung ứng hàng triệu ghế trên toàn mạng nội địa và quốc tế.

NỘI ĐỊA HỒI PHỤC HOÀN TOÀN, QUỐC TẾ "HÉ" TÍN HIỆU KHỞI SẮC 

Cũng theo đánh giá từ Cục Hàng không Việt Nam, thị trường vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không tăng trưởng nhanh nhưng vận chuyển quốc tế phục hồi chậm trong năm 2022.

Theo đó, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu hành khách, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019.

 

Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2021 và tăng 15,6% so với năm 2019 vào thời điểm trước dịch. Trong khi đó, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách, dù tăng gấp 22 lần so với năm 2021 nhưng mới bằng 27% so với năm 2019.

Có được kết quả này, theo lý giải từ phía Cục Hàng không, hoạt động vận tải hàng không đã có dấu hiệu hồi phục từ cuối quý 1/2022, đặc biệt là thị trường nội địa.

Ngay từ tháng 4/2022, thị trường nội địa hồi phục ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, với sự bùng nổ của nhu cầu trong dịp hè, thị trường nội địa chính thức hồi phục hoàn toàn và có sự tăng trưởng ấn tượng trên 30% vào các tháng 7, 8 so với so cùng kỳ 2019.

Đối với thị trường quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam chủ động và tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các hãng hàng không tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục các đường bay quốc tế đồng thời tăng thêm tần suất, tải cung ứng và điểm đến trong hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không thừa nhận tốc độ hồi phục thị trường quốc tế diễn ra chậm mặc dù Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.

Dù vậy, hàng không quốc tế vừa hé lộ tín hiệu khởi sắc cuối năm khi các hãng bay bắt đầu mở lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc sau 3 năm ngưng trệ.

Lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam trước dịch, do đó, việc đại lục này mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam.

Ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đến cuối năm 2022, thị trường hàng không quốc tế đã có hơn 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hành khách trên 154 đường bay quốc tế kết nối 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 5 điểm của Việt Nam là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc.

Tính riêng cho quý 4/2022, tốc độ tăng trưởng thị trường quốc tế tăng nhanh, bằng ba quý đầu năm cộng lại, tương đương hơn 5 triệu khách, bằng 50% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo năm 2023, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách, tăng gấp 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019, thời điểm trước dịch Covid.