15:09 04/06/2015

Lo chủ quyền quốc gia về không gian mạng

Nguyễn Lê

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề cập đến các mối đe dọa đối với Việt Nam trên mạng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.<br>
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.<br>
Sáng 4/6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật An toàn thông tin gồm 9 chương, 56 điều.

Trình bày sự cần thiết ban hành luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đề cập các mối đe dọa đối với Việt Nam đến từ các nhóm hoạt động với động cơ chính trên mạng.

Việc tấn công vào các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam được dàn dựng bởi các nhóm tội phạm đang ngày càng phổ biến hơn, nhằm làm gián đoạn, gây thiệt hại về uy tín chính trị và kinh tế của đất nước.

Các nhóm tội phạm khác nhau như: khủng bố, tình báo nước ngoài và quân đội của một số nước đang hoạt động hiện nay nhằm mục đích xâm hại lợi ích của Việt Nam trên mạng, Bộ trưởng nói.

Vẫn còn ý kiến khác nhau

Cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết vẫn còn có ý kiến khác nhau về chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng phản ánh, loại ý kiến thứ nhất cho rằng xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề rất khó và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khó lường trên nền khoa học và công nghệ phát triển ở mức cao, nhanh như vũ bão hiện nay.

Do đó, luật cần có quy định việc cần sẵn sàng thực thi trong tình huống khi xảy ra những nguy hiểm đến an ninh quốc gia mà chúng ta cần có các biện pháp tự vệ.

Ví dụ: quy định trong trường hợp đặc biệt cần đóng hoàn toàn hoặc hạn chế các cổng kết nối quốc tế nhằm ngăn chặn các truy cập từ phía ngoài vào bên trong các hệ thống thuộc địa phận Việt Nam.

Ý kiến khác cho rằng không nên đưa vấn đề chủ quyền không gian mạng vào dự thảo luật.

Tán thành với ý kiến này, cơ quan thẩm tra cho rằng kinh nghiệm xây dựng pháp luật tại những nước tiên tiến trên thế giới mà đã được tham khảo cũng chưa có quốc gia nào thực hiện tuyên bố chủ quyền trên không gian mạng.

Hơn nữa, để thực hiện nhiệm vụ trên, dự thảo đã có các quy định về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng trình bày.

Bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế

Nhấn mạnh quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng phải là một nội dung cơ bản, quan trọng trong luật này, cơ quan thẩm tra “phê” quy định trong dự thảo luật có dung lượng và nội hàm còn nhiều hạn chế.

Theo cơ quan thẩm tra, cả giải thích thuật ngữ cũng như nội dung quy định tại dự thảo luật chưa có sự phân biệt trong việc thu thập, xử lý, sử dụng các thông tin do cá nhân thực hiện khai báo theo yêu cầu của tổ chức cung cấp dịch vụ (thu thập thông tin) với các thông tin cá nhân do cá nhân chủ động đưa lên mạng (ví dụ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh…).

Do vậy, dự thảo chưa thể hiện được một cách toàn diện trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn đối với từng loại thông tin này.

Dự thảo cũng chưa chỉ ra được những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng băn khoăn khi theo các quy định liên quan trong dự thảo luật thì có thể hiểu các quy định này chỉ tập trung vào việc bảo vệ các thông tin cá nhân trên mạng được nắm giữ và xử lý bởi các tổ chức, cá nhân với mục đích thương mại, kinh doanh. Còn đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân nhằm các mục đích khác hoặc do các cơ quan nhà nước nắm giữ, xử lý lại chưa rõ cơ chế bảo vệ như thế nào.

Một nội dung khác cũng được cơ quan thẩm tra chỉ ra là thiếu minh bạch, đó là kinh doanh an toàn thông tin, khi điều kiện cấp giấy phép đối với tổ chức kinh doanh sản phẩm an toàn thông tin chưa được quy định trong dự thảo luật.

Hơn nữa, quy định tại dự thảo luật còn quá chung chung, rất khó cho việc xác định thế nào là đủ điều kiện kinh doanh, cơ quan thẩm tra nhận xét.