Lo đường đơn khó đáp ứng nhu cầu, kiến nghị nâng quy mô đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu
Bộ Giao thông vận tải cho biết đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu được quy hoạch tuyến đường đơn, năng lực vận chuyển lên đến 35 đôi tàu/ngày đêm và gấp gần 3 lần nhu cầu khai thác đến năm 2050. Để nâng quy mô đường sắt đôi, cần rà soát kỹ lưỡng...
Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 3309/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời kiến nghị cử tri tỉnh về việc đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Qua thông tin cử tri được biết, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng theo 02 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 từ Biên Hòa đến cảng Cái Mép - Thị Vải, thiết kế đường sắt đôi; giai đoạn 2 từ cảng Cái Mép - Thị Vải đến Vũng Tàu, thiết kế đường sắt đơn.
Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao, nếu thiết kế đường đơn sẽ nhanh chóng lạc hậu, không phát huy tối đa phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Do đó, cử tri tỉnh đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu phương án từ cảng Cái Mép - Thị Vải đến Vũng Tàu thiết kế đường sắt đôi.
Phản hồi kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong phát triển giao thông vận tải khu vực Đông Nam Bộ nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, kết nối các phương thức vận tải phục vụ nhu cầu thu gom, giải toả hàng hoá cho cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và phục vụ vận chuyển hành khách kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km, khổ 1.435mm.
"Đoạn Thị Vải - Vũng Tàu nhu cầu đến năm 2050 khoảng 0,68 triệu tấn hàng hóa/năm và 7,2 triệu hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 12 đôi tàu/ngày đêm được quy hoạch tuyến đường đơn với năng lực vận chuyển lên đến 35 đôi tàu/ngày đêm, tức là Bộ Giao thông vận tải được dự phòng lên 2,9 lần năng lực so với nhu cầu", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Trong đó, đoạn Biên Hòa - Thị Vải nhu cầu đến năm 2050 khoảng 22,6 triệu tấn hàng hóa/năm và 9,0 triệu hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 75 đôi tàu/ngày đêm, do đó, được quy hoạch tuyến đường đôi với năng lực vận chuyển lên đến khoảng 120 đôi tàu/ngày đêm.
Triển khai Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan chủ trì lập điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ nghiên cứu, rà soát quy hoạch tuyến đường sắt nêu trên.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, đơn vị tư vấn rà soát kỹ lưỡng về nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2023 của Bộ Chính trị và các quy hoạch có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh nếu đủ điều kiện.
Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu được đánh giá là dự án giao thông đầu tư cấp thiết ở thời điểm này nhằm khai thác hết tiềm năng mà cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện hữu. Đây là một trong hai khu cảng xếp hạng đặc biệt trong hệ thống cảng biển ở Việt Nam.
Cảng Cái Mép - Thị Vải có quy mô đầu tư, trang thiết bị hơn 2 tỷ USD và năng lực tiếp nhận gần 7 triệu TEUs/năm. Tuy nhiên, Cái Mép - Thị Vải vẫn đang tồn tại nhiều “điểm nghẽn” nên hiệu quả khai thác còn chưa tương xứng với tiềm năng, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là kết nối giao thông. Dự án cũng sẽ giải quyết sự quá tải của tuyến Quốc lộ 51 đang hiện hữu, góp phần kết nối các khu công nghiệp lớn trong khu vực Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch, số lượng ga và depot gồm tổng cộng 5 ga tuyến chính trong cảng có 3 ga cùng với 1 ga trung tâm logistics và 3 depot. Điểm cuối ga khách tại Vũng Tàu đối với hành khách và với hàng hóa là cụm cảng Thị Vải - Cái Mép.
Khi dự án hoàn thiện và kết nối với sân bay Long Thành sẽ đem lại ưu thế cạnh tranh, đặc biệt là thu hút đầu tư cho Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, khả năng vận chuyển hàng hóa thuận lợi và thường xuyên hơn, thu hút vốn đầu tư.