17:08 15/08/2018

Lo “vạ lây” khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia bất ngờ nâng lãi suất

Diệp Vũ

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đang làm gia tăng sức ép đối với Indonesia, khiến đồng Rupiah của nước này giảm giá sâu hơn

Đồng Rupiah của Indonesia là một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á năm nay, với mức giảm khoảng 7% từ đầu năm so với đồng USD.
Đồng Rupiah của Indonesia là một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á năm nay, với mức giảm khoảng 7% từ đầu năm so với đồng USD.

Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia) ngày 15/8 bất ngờ nâng lãi suất lần thứ tư kể từ tháng 5, một động thái nhằm ngăn ảnh hưởng tiêu cực của những biến động lớn đang diễn ra tại các thị trường mới nổi, đồng thời hạn chế đà sụt giảm của tỷ giá đồng nội tệ Rupiah.

Theo hãng tin Bloomberg, lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày được Bank Indonesia tăng lên mức 5,5% từ mức 5,25% trước đó. Trong số 28 chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát trước khi diễn ra cuộc họp của ngân hàng trung ương này, chỉ có 7 người dự báo lãi suất sẽ tăng và số còn lại dự báo lãi suất không thay đổi.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đang làm gia tăng sức ép đối với Indonesia, khiến đồng Rupiah của nước này giảm giá sâu hơn. Trước đó, đồng Rupiah đã mất giá mạnh do giới đầu tư thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi khi Mỹ nâng lãi suất và tỷ giá đồng USD leo thang.

Bank Indonesia là một trong những ngân hàng tăng lãi suất quyết liệt nhất tại khu vực châu Á trong năm nay. Thống đốc Perry Warjiyo liên tục khẳng định sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động.

"Bank Indonesia đã tái khẳng định lập trường ‘phủ đầu’ bằng một đợt tăng lãi suất nữa, và họ còn có thể tăng lãi suất cao hơn trong thời gian tới", chuyên gia kinh tế Charu Chanana thuộc Continuum Economics ở Singapore nhận định. "Thống đốc Warriyo đang làm tất cả những gì có thể để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và Indonesia có thể nhanh chóng đảo ngược được sự thoái vốn một khi mức độ biến động trên thị trường toàn cầu giảm xuống".

Đồng Rupiah của Indonesia là một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á năm nay, với mức giảm khoảng 7% từ đầu năm so với đồng USD.

Hôm thứ Ba tuần này, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã ra lệnh hạn chế nhập khẩu để bảo toàn dự trữ ngoại hối. Từ tháng 1 đến nay, dự trữ ngoại hối của Indonesia đã giảm khoảng 14% do Bank Indonesia tăng cường can thiệp vào thị trường để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

"Quyết định nâng lãi suất là nhất quán với các nỗ lực nhằm duy trì sức hấp dẫn của thị trường tài chính trong nước và kiểm soát thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức an toàn", Thống đốc Warjiyo phát biểu.

Thâm hụt tài khoản vãng của Indonesia và việc giới đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ khá cao trái phiếu chính phủ nước này khiến nền kinh tế Indonesia dễ tổn thương hơn trước sự thoái vốn. Chuyên gia Chanana nói những yếu tố này có thể sẽ tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá đồng Rupiah.

Trái phiếu Indonesia đã tăng giá sau quyết định tăng lãi suất, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này giảm còn 8%, từ mức 8,03% trước đó.

Ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi từ Argentina tới Ấn Độ đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ thời gian gần đây để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ và kiểm soát áp lực lạm phát. Sự sụt giá chóng mặt của đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến giới đầu tư toàn cầu thêm phần bi quan, buộc Ngân hàng Trung ương Argentina hôm thứ Hai tuần này cấp tập nâng lãi suất thêm 5 điểm phần trăm.

Nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của Indonesia giúp các nhà hoạch định chính sách nước này tự tin khi tăng lãi suất. Trong quý 2 năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Indonesia tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 5 năm. Trong khi đó, lạm phát của nước này vẫn nằm trong khỏng mục tiêu 2,5-4,5% mà Bank Indonesia đề ra.