Lợi nhuận khối doanh nghiệp FDI sụt giảm, gần 54% số doanh nghiệp báo lỗ
Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy lợi nhuận sau thuế khối doanh nghiệp FDI năm 2022 đạt 386.673 tỷ đồng, giảm 2,1% so với năm 2021. Cùng với đó, có tới 53,83% doanh nghiệp FDI báo lỗ, cao hơn tỷ lệ bình quân chung...
Chia sẻ về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết năm 2022, có 28.963 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 3,27% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện nay, theo ghi nhận của Bộ Tài chính, 92% doanh nghiệp đã nộp báo cáo tài chính.
Năm 2021, có 37% doanh nghiệp FDI có lãi, tăng nhẹ lên 38,79% vào năm 2022. Dù tỷ lệ doanh nghiệp FDI có lãi cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung cả nước nhưng có tới 53,83% số doanh nghiệp FDI báo lỗ; trong khi tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ nói chung chỉ khoảng 50%.
(Số liệu từ Bộ Tài chính)
Tổng hợp từ báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, năm 2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 9.444.170 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2021. Trong đó, 5 lĩnh vực lớn chiếm đến 91% tổng tài sản của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gồm: doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo (60%), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (10%); bất động sản (7%), sản xuất chế biến, khí đốt, điều hòa (4%), hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ (4%)…
Năm 2022, vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI đạt 4.069.190 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2021; vốn đầu tư chủ sở hữu tăng gần 14% so với năm 2021. Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 1.012.064 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI năm 2022 ghi nhận sự sụt giảm nhẹ so với năm 2021 với lợi nhuận sau thuế.
Cụ thể, doanh thu khối doanh nghiệp FDI đạt khoảng 9.727.000 tỷ đồng tăng 4,4% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 2,1% so với năm 2021, đạt 386.673 tỷ đồng.
Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2021, có 37% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có lãi, tỷ lệ này tăng nhẹ vào năm 2022, lên mức 38,79%. Dù tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có lãi cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước nhưng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, có tới 53,83% số doanh nghiệp FDI báo lỗ, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ nói chung chỉ khoảng 50%.
Về đóng góp cho ngân sách, khối doanh nghiệp FDI nộp ngân sách đạt 237.777 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung.
Nhiều năm qua, tình hình hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp này ghi nhận sự chuyển biến tích cực về quy mô tài sản, vốn đầu tư, số nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, số nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho thấy mức đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.
Cũng theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, 9 tháng năm 2023 do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chỉ có 23,78% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khai phát sinh về thuế giá trị gia tăng, do xuất khẩu áp dụng thuế suất 0%, còn những doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư do đầu vào vẫn âm nên không khai thuế giá trị gia tăng.
Liên quan đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng dành nhiều sự quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt do Việt Nam phải thực hiện theo cam kết khi tham gia vào Diễn đàn chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Chính phủ đã phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để đồng hành với doanh nghiệp trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.
Bộ Tài chính cũng tham gia vào việc trình báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong kỳ họp này về thuế tối thiểu toàn cầu. Trong quá trình xây dựng dự án Nghị quyết, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu trên cơ sở việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu để mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Qua rà soát, Bộ Tài chính ước tính có khoảng 122 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định thuế tối thiểu toàn cầu, với khoản thu thuế khoảng 14.600 tỷ đồng. Dự kiến khi ban hành chính sách thuế này sẽ có thêm một số cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.