14:06 11/11/2023

Lợi nhuận phục hồi, công ty chứng khoán tăng đầu tư các tài sản rủi ro

Anh Nhi

Với sự phục hồi mạnh mẽ của mảng đầu tư, khả năng sinh lời của các công ty chứng khoản 9 tháng đầu năm được cải thiện đáng kể. Theo đó, một số công ty đã tăng cường nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro…

Theo VIS Rating, tỷ lệ khẩu vị rủi ro của các công ty chứng khoán vẫn ở mức cao.
Theo VIS Rating, tỷ lệ khẩu vị rủi ro của các công ty chứng khoán vẫn ở mức cao.

Báo cáo ngành Chứng khoán cập nhật 9 tháng 2023 do VIS Rating công bố mới đây cho thấy với “bệ đỡ” lợi nhuận đầu tư tăng mạnh (153% so với cùng kỳ) sau sự phục hồi về định giá trên thị trường chứng khoán, một số công ty chứng khoán đã tăng cường nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro.

Nhưng với các đợt tăng vốn gần đây mang lại bộ đệm vốn giúp bù đắp cho rủi ro tài sản và các khoản lỗ tiềm tàng, VIS Rating cho rằng lợi nhuận của các công ty chứng khoán sẽ dần được cải thiện khi hoạt động giao dịch chứng khoán mạnh mẽ hơn trước triển vọng kinh tế năm 2023.

HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ PHỤC HỒI, CHO VAY KÝ QUỸ VÀ MÔI GIỚI VẪN GIẢM

Báo cáo chỉ ra rằng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quần (ROAA) của ngành trong 9 tháng năm 2023 đã tăng lên 4,4% từ mức 3,8% năm trước nhờ lợi nhuận mảng đầu tư cao hơn.

Đáng chú ý, các công ty cỡ vừa (bao gồm VIX, ACBS, FTS và BSI) nắm giữ lượng đầu tư cổ phiếu đáng kể có khả năng sinh lời vượt trội hơn mức trung bình ngành với ROAA là 5.4%. Trong khi đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và phân phối trái phiếu (như ORS, HDBS và TVSI) ghi nhận ROAA trung bình là 1.7% với việc lợi nhuận mảng ngân hàng đầu tư giảm mạnh do lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới hạn chế và quy mô đầu tư cổ phiếu các công ty này rất khiêm tốn.

Với diễn biến này, VIS Rating kỳ vọng sự phục hồi lợi nhuận bắt đầu từ quý 3/2023 sẽ tiếp tục, chủ yếu nhờ hoạt động giao dịch chứng khoán mạnh hơn trong bối cảnh tâm lý được cải thiện xoay quanh triển vọng kinh tế năm 2024. Tuy nhiên, ROAA trung bình ngành trong cả năm sẽ vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm qua (2018-2022) là 6.3%.

Lợi nhuận phục hồi, công ty chứng khoán tăng đầu tư các tài sản rủi ro - Ảnh 1

Trái ngược với sự phục hồi của hoạt động đầu tư, lợi nhuận từ cho vay ký quỹ và môi giới trong 9 tháng vẫn thấp hơn so với năm trước (giảm lần lượt 13.7% và 47%) cho dù giá trị giao dịch thị trường được cải thiện. Nguyên nhân chính, theo VIS Rating, là do thanh khoản thị trường giảm đáng kể trong 6 tháng. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh thanh khoản thị trường hạn chế trong thời gian này đã làm giảm phí môi giới và tỷ suất lợi nhuận gộp.

Các công ty có vốn nước ngoài ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp mảng môi giới thấp hơn so với các công ty trong nước do việc trả hoa hồng cho môi giới cao hơn để phát triển tệp khách hàng. Theo đó, các công ty có mức tăng trưởng cho vay ký quỹ thấp hơn ngành hoặc có kế hoạch kinh doanh quá cao sẽ khó đạt được mục tiêu.

ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ TÀI SẢN CÓ NHIỀU RỦI RO

Đáng chú ý, theo VIS Rating, 9 tháng qua, tỷ lệ khẩu vị rủi ro của các công ty chứng khoán vẫn ở mức cao.

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đã tăng lên 68,3 nghìn tỷ đồng, đặc biệt đến từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trái phiếu. Các công ty này (như TCBS, VPBANKS) trung bình tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên 40-50% tổng tài sản vào cuối tháng 9 năm 2023, tăng từ mức 28-45% vào cuối tháng 12 năm 2022. Các khoản đầu tư này nằm trong mục tiêu chung của cả hệ sinh thái lớn nhằm hỗ trợ nhu cầu thanh khoản cho các khách hàng doanh nghiệp của các công ty chứng khoán.

Trong khi tốc độ trái phiếu doanh nghiệp chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đang chậm lại và dòng tiền doanh nghiệp dần ổn định, khoản đầu tư của các công ty vào các tài sản có rủi ro cao bao gồm cổ phiếu chưa niêm yết và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có mức độ tập trung đáng kể và khiến họ phải đối mặt với các rủi ro sự kiện. Trong khi dư nợ cho vay ký quỹ tăng lên mức cao nhất là 2,5% vốn hóa thị trường trong quý 3/2023, các khoản cho vay ký quỹ quá hạn nhìn chung giảm và rủi ro vẫn được quản lý tốt nhờ độ bao phủ của tài sản đảm bảo và sự phục hồi của giá cổ phiếu.

Lợi nhuận phục hồi, công ty chứng khoán tăng đầu tư các tài sản rủi ro - Ảnh 2

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng tỷ lệ đòn bẩy ngành duy trì ở mức thấp 220% tính đến quý 3/2023, cải thiện nhẹ so với cuối năm 2022 nhờ các đợt huy động vốn gần 10,8 nghìn tỷ đồng chủ yếu đến từ TCBS và YSVN.

Theo đó, VIS Rating dự báo rằng hầu hết các công ty dịch vụ chứng khoán, tập trung vào dịch vụ cho vay ký quỹ và môi giới, sẽ dần gia tăng nợ vay ngắn hạn để hỗ trợ hoạt động cho vay ký quỹ, điều này sẽ làm giảm tỷ lệ thanh khoản của họ. Trong khi đó, hầu hết các công ty tập trung vào trái phiếu đều tăng vị thế thanh khoản so với năm 2022, nhờ tiền thu được từ các khoản phải thu liên quan đến trái phiếu, cùng với việc tăng vốn mới vào năm 2023. Một số công ty bao gồm HDBS, ORS và SSI đã công bố kế hoạch tăng vốn cổ phần mới trong 12 tháng tới.

“Việc tăng vốn bổ sung sẽ là tín hiệu tích cực để hỗ trợ tăng trưởng bảng cân đối, duy trì tỷ lệ đòn bẩy ổn định và tăng cường bộ đệm vốn”, VIS Rating nhận định.