10:26 19/06/2008

Luật Bồi thường: “Nhà nước sẽ sòng phẳng với dân!”

Từ Nguyên

Với Luật Bồi thường Nhà nước sắp được thông qua, việc bồi thường sẽ rõ ràng và có lợi hơn cho người chịu oan sai

"Xu hướng là Nhà nước sẽ sòng phẳng với dân, nhưng không có nghĩa là sẽ bồi thường tràn lan."
"Xu hướng là Nhà nước sẽ sòng phẳng với dân, nhưng không có nghĩa là sẽ bồi thường tràn lan."
Với Luật Bồi thường Nhà nước sắp được thông qua, việc bồi thường sẽ rõ ràng và có lợi hơn cho người chịu oan sai.

Đó là khẳng định của ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp).

Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị, công chức Nhà nước gây oan sai thì phải tự chịu trách nhiệm bồi thường về kinh tế cho người oan sai. Điều này có hợp lý không, thưa ông?


Theo tôi thì như thế là không hợp lý bởi, suy cho cùng, công chức cũng là những người đi làm thuê cho Nhà nước, giống như một người làm thuê cho doanh nghiệp, nên công chức gây hại thì Nhà nước phải bồi thường.

Hơn nữa, hiện nay, lương bổng của công chức vẫn tương đối thấp và trong trường hợp công chức vì trình độ nhận thức kém dẫn đến hành động sai mà nếu bắt cá nhân phải bồi thường thì sẽ không ai dám làm cho Nhà nước.

Nhưng nếu quy định Nhà nước bồi thường thì sẽ dễ dẫn đến việc công chức làm sai nhằm mục đích tư lợi, thưa ông?


Trên thực tế, việc kiểm soát động cơ làm sai của công chức dường như là không thể. Nhà nước chỉ có thể kiểm soát được công chức thi hành công vụ thông qua hành vi.

Chính vì vậy, theo dự thảo Luật Bồi thường, trước mắt Nhà nước phải bồi thường cho người bị oan sai, sau đó Nhà nước sẽ có cơ chế buộc công chức hoàn trả, tùy thuộc vào mức độ và thời gian cụ thể của những sai phạm.

Nếu Nhà nước chứng minh được, việc công chức làm là cố ý thì người đó sẽ phải hoàn trả bồi thường, nhưng nếu là do vô ý, trình độ, năng lực hạn chế thì không phải hoàn trả.

Tuy nhiên, việc hoàn trả này cũng chỉ là nhằm mục đích răn đe đối với công chức, còn thực chất thì khả năng hoàn trả là rất khó.

Hiện nay, các cá nhân, doanh nghiệp bị oan sai thường đưa ra mức yêu cầu bồi thường rất cao nhưng kết quả được bồi thường lại thường thấp hơn nhiều. Vậy, làm sao để dung hòa mâu thuẫn này, thưa ông?


Đối với vấn đề bồi thường, khúc mắc lớn nhất giữa dân và Nhà nước là mức bồi thường thiệt hại. Thực tế, những năm vừa qua, giữa yêu cầu bồi thường của dân với mức độ đáp ứng của Nhà nước chênh lệch rất lớn.

Có khi, người dân chỉ được đáp ứng 1% yêu cầu. Có trường hợp, dân đòi bồi thường mấy trăm triệu đồng, nhưng chỉ được bồi thường 1 triệu đồng và trên thực tế thì chênh lệch lớn nhất sau khi khiếu kiện với mức bồi thường ban đầu không quá 1%.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do luật pháp không rõ. Dân cứ tùy tiện đưa ra mức bồi thường, còn Nhà nước thì thường thấy không có cơ sở pháp lý bồi thường những yêu cầu đó.

Vì vậy, dự luật này phải xác định rõ Nhà nước sẽ bồi thường những cái gì cho dân và phải tính hợp lý. Giá bồi thường là nằm trong thời điểm giải quyết bồi thường.

Chúng tôi xác định rõ, tư tưởng chỉ đạo sắp tới là Nhà nước sẽ phải sòng phẳng với dân. Bên ngoài, dân sự bồi thường thế nào thì Nhà nước sẽ phải bồi thường thế đó. Tôi cho rằng, công chức Nhà nước là những người có học nhưng nếu đã gây thiệt hại cho dân thì việc phải bồi thường cho dân cao hơn dân sự là chuyện bình thường.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước cũng sẽ mở rộng diện bồi thường theo hướng có lợi cho người oan sai. Ví dụ, nếu giám đốc doanh nghiệp bị bắt oan thì ngoài việc bồi thường cho cá nhân, Nhà nước cũng sẽ bồi thường cho pháp nhân, tức bồi thường những thiệt hại cho doanh nghiệp do việc giám đốc bị bắt.

Nhưng tại sao dự luật vẫn không đề cập đến việc đền bù tài sản vô hình cũng như những cơ hội của cá nhân, doanh nghiệp đã bị mất do bị oan sai?


Về mặt nguyên tắc, Nhà nước vẫn có thể sẽ bồi thường nếu người bị oan sai chứng minh được những cơ hội bị mất một cách hợp lý, không suy diễn.

Chẳng hạn, nếu giám đốc một doanh nghiệp bị bắt oan dẫn đến việc hợp đồng vừa ký kết không thực hiện được, gây thiệt hại cho bản thân và doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể đòi bồi thường.

Còn nếu cứ suy diễn rằng, nếu không bị bắt oan thì tôi có thể có được cái này, làm được kia… theo kiểu “đếm cua trong lỗ” thì Nhà nước không thể bồi thường được. Xu hướng là Nhà nước sẽ sòng phẳng với dân, nhưng không có nghĩa là sẽ bồi thường tràn lan.