Luật đặc khu: Lựa chọn an toàn chỉ để mong sớm được đồng tình?
"Cuối cùng chúng ta vẫn không vượt qua được chính mình và quay về với sự lựa chọn an toàn chỉ để mong sớm nhận sự đồng tình"
"Cuối cùng chúng ta vẫn không vượt qua được chính mình và quay về với sự lựa chọn an toàn chỉ để mong sớm nhận sự đồng tình".
Đó là nhận xét của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong của Quốc hội, sáng 23/5.
Nhận xét của ông Nhân là về cơ chế đặc biệt về mô hình chính quyền địa phương và các cơ quan khác ở đặc khu trên cơ sở kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới để tạo sự khác biệt.
Tại dự thảo trình Quốc hội kỳ họp 4, phương án được Chính phủ chọn là không tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tại đặc khu mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phương án này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu qua thảo luận cả ở tổ và hội trường, mở ra nhiều kỳ vọng và chờ đợi, như nhận xét của đại biểu Nhân.
Sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hơn một lần xem xét, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, đều đặc biệt quan tâm đến mô hình chính quyền địa phương đặc khu.
Và, tại dự thảo luật mới nhất thì chính quyền địa phương ở đặc khu đã quay về mô hình truyền thống là gồm có hội đồng nhân dân đặc khu và ủy ban nhân dân đặc khu.
Dự thảo luật quy định, tổng số đại biểu của hội đồng nhân dân đặc khu không quá 15 người, trong đó đa số là đại biểu hoạt động chuyên trách.
Ủy ban nhân dân đặc khu gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Chủ tịch ủy ban nhân dân đặc khu do hội đồng nhân dân đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch ủy ban nhân dân đặc khu phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
"Dường như chúng ta vẫn còn mâu thuẫn trong chính mình, bởi một mặt mong muốn kinh tế đặc khu sẽ mang một hình hài mới và vượt trội so với phần còn lại. Mặt khác, bộ máy để điều hành kinh tế đặc khu lại vẫn để dáng dấp của mô hình hiện tại", đại biểu Nhân nhận xét.
Ông Nhân cũng đặt câu hỏi rằng, sự khiên cưỡng tương thích một cách chưa trọn vẹn như trên liệu có thể phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của một đặc khu như kỳ vọng không?
Ngoài mô hình chính quyền địa phương thì còn khá nhiều vấn đề khác cũng khiến đại biểu còn băn khoăn. Như, thời hạn cho giao đất, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, các ưu đãi thuế..
Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng dự án luật hiện còn thiếu các nội dung về luận chứng kinh tế, đánh giá lợi ích, chi phí tại từng đặc khu.
Đại biểu Hà cũng đề nghị cân nhắc việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm đối với các dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử và đặt cược. Bởi vì, đây là lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận rất lớn, khác với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên doanh thu, tức là trừ đi số trả thưởng, vì vậy ưu đãi giảm đi 15 đến 20% thuế suất là rất lớn so với mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đủ điều kiện thông qua
Hết giờ thảo luận buổi sáng danh sách đại biểu đăng ký phát biểu còn khá dài.
Được dành thời gian giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những ý kiến đã phát biểu hết sức tâm huyết, sâu sắc.
Theo Bộ trưởng, sau khi tiếp thu các ý kiến tại phiên thảo luận tiếp thu, hoàn chỉnh bước nữa thì dự thảo luật có thể đủ điều kiện để thông qua tại kỳ họp này.
"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải ban hành sớm để triển khai. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng ta có thể xem xét để điều chỉnh, sửa đổi chứ không chỉ dừng lại ở đây. Hiện nay Hàn Quốc trong 10 năm họ đã sửa 6 lần, Nhật Bản trong 3 năm cũng sửa 2 lần, cho nên chúng ta cũng không quá cầu toàn", Bộ trưởng nói.
Hồi âm nhiều ý kiến đại biểu, riêng với mô hình chính quyền địa phương, Bộ trưởng rất ngắn gọn: "về hội đồng nhân dân bầu chủ tịch đặc khu thực hiện theo quy định của Hiến pháp, chúng tôi xin giữ nguyên".
Với băn khoăn về nhà đầu tư chiến lược, Bộ trưởng "báo cáo rõ thêm với Quốc hội là nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư không phải chỉ bỏ vốn các dự án lớn mà nhà đầu tư chiến lược phải có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia từ quy hoạch, đề xuất thể chế, đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư, tổ chức thực hiện để phát triển toàn bộ đặc khu đó theo mục tiêu đã định".
Tuy nhiên, chúng ta sẽ rà soát lại chặt chẽ hơn nữa đảm bảo nhà đầu tư chiến lược đích thực được hưởng các chính sách ưu đãi tương xứng, Bộ trưởng nói.
Với thuế tiêu thụ đặc biệt của casino, Bộ trưởng "xin phép được giữ như dự thảo".
Vì, dự thảo đưa ra miễn, giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt của casino là chủ động, chứ không phải chúng ta khuyến khích nhà đầu tư.
Hiện nay tất cả các nước đều mở dịch vụ casino này để cạnh tranh dòng tiền trong nhu cầu của con người khi chơi casino, nếu chúng ta khuyến khích, cho phép thì phải đảm bảo được cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh thì phải có đầu tư lớn và làm thật bài bản. Muốn đầu tư lớn thì chúng ta phải có chính sách miễn giảm hợp lý cho người ta thì người ta mới đầu tư tiền và mới có được những khu cạnh tranh, khu cạnh tranh đó mới thu hút được dòng tiền trên thế giới, nước nào cũng làm như thế, Bộ trưởng trình bày.
Theo nghị trình, vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp này (15/6), Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.