Lương không đủ sống, công nhân mất việc chỉ có cách về quê
Thu nhập thực tế của công nhân tại các khu công nghiệp dù có cải thiện nhưng chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu, khi mất việc họ không thể cầm cự được, phải lựa chọn rời thành phố về quê…
Tại phiên chất vấn sáng 6/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về tình trạng lao động mất việc làm gia tăng, kéo theo số người rút bảo hiểm xã hội một lần đáng lo ngại, trong đó có nguyên nhân là thu nhập của người lao động không đủ sống và rất khó khăn.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng thu nhập và đời sống hiện tại của công nhân lao động ở nước ta hiện nay. Đồng thời, đề nghị có những giải pháp căn cơ gì để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương quý 1/2023 đạt 7,9 triệu đồng mỗi tháng, tăng 2,6% (khoảng 204.000 đồng) so với quý trước. Riêng thu nhập lao động các ngành thâm dụng như dệt may đạt 7,2 triệu đồng; chế biến gỗ 7,4 triệu đồng; điện tử 9 triệu đồng.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, doanh nghiệp có cố gắng lớn để đảm bảo thu nhập cho lao động với nguyên tắc "thăng tiến cùng hưởng, khó khăn sẻ chia", song thực tế thu nhập lao động có cải thiện nhưng chưa có bước tiến lớn dù lương tối thiểu vùng vẫn điều chỉnh.
Bốn giải pháp căn cơ cho lao động là tăng thu nhập ổn định đời sống; đào tạo kỹ năng nghề; tăng thiết chế giáo dục, y tế, văn hóa; giới thiệu việc làm, tăng liên kết vùng.
Ông cũng cho rằng, muốn người lao động ở khu vực công và tư ổn định, việc quan trọng phải bảo đảm thu nhập, việc làm ổn định, tiền lương phải đủ sống, thu nhập đảm bảo cho bản thân và gia đình họ.
Đối với vấn đề lao động mất việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu vấn đề năm 2023 kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng mất việc làm diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại cho thấy, tình trạng lao động mất việc làm ở nước ta thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình rõ về những đánh giá và số liệu của báo cáo đã sát với thực tiễn hay chưa.
Trong khi đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, không phản đối các con số lao động mất việc, thất nghiệp mà Bộ trưởng nêu ra, song thừa nhận sau lưng mỗi lao động mất việc là gia đình và nhiều vấn đề xã hội khác.
"Có ý kiến cho rằng khó khăn mà lao động gặp phải hiện nay còn hơn giai đoạn Covid-19. Vậy giai đoạn hiện nay có cần các gói hỗ trợ trực tiếp lao động như trong đại dịch hay không?", nữ đại biểu nêu vấn đề.
Trước tình trạng lao động mất việc làm, và lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống, việc này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, nhiều đại biểu đặt câu hỏi có nên đề nghị Trung ương lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương hay không?
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng chỉ là một trong những giải pháp, căn cơ nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn.
"Việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết khi lập quỹ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tính hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí Quốc hội phải cho phép.
Nhắc lại việc cách đây một tháng ông được Thủ tướng phân công đi kiểm tra một số địa phương về tình hình đời sống, việc làm của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đối tượng bị giãn việc, mất việc làm hầu hết rơi vào lao động nữ.
“Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con nhỏ. Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về”, Bộ trưởng trăn trở.
Vì vậy, riêng với nhóm lao động nữ, Bộ trưởng cho rằng cần có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa; các địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới.
Ngoài ra, cơ quan tham mưu đang đánh giá kĩ thực trạng, dự báo chính xác tình hình người lao động mất việc, giảm việc từ nay đến Tết và năm 2024 để có chính sách dài hạn và ngắn hạn. Từ đó, mới xác định cần các gói hỗ trợ hay không.