Một công ty chứng khoán dự tính thu bộn tiền trong năm 2024 nhờ VN-Index đạt 1.460 điểm, thanh khoản tỷ đô
Trên cơ sở thị trường dự báo thị trường năm 2024, một công ty chứng khoán dự kiến kiếm bộn tiền từ cho vay và môi giới, lãi trước thuế và sau thuế kế hoạch ở mức 132 tỷ đồng và gần 101 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu này đều dự kiến gấp đôi con số ước tính năm trước.
Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng vừa có dự báo thị trường chứng khoán năm 2024 trên cơ sở đó đặt mục tiêu kinh doanh cho doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2024, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu vẫn chậm và không đồng đều giữa các nước nhưng không bị đình trệ. Đặc biệt, lạm phát toàn cầu có dấu hiệu dần được kiểm soát, các ngân hàng trung ương trên thế giới sắp đi đến hồi kết của lộ trình tăng lãi suất và dự kiến sớm có tín hiệu đảo chiều chính sách sang nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), so với các nước khác trong khu vực, dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam ở mức 5,8%, chỉ thấp hơn mức tăng trưởng 5,9% của Philippines; còn Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 ở mức 6-6,5%.
PHS tin rằng với triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn trong năm 2024 cùng với những chính sách hỗ trợ từ phía đầu tư trong nước sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được mục tiêu của Chính phủ.
Bằng phương pháp định giá P/E, ước tính VN-Index có thể tăng lên mức 1.460 điểm vào năm 2024 với tỷ lệ PE trung bình là 14x. PHS kỳ vọng thu nhập trung bình của các công ty niêm yết sẽ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 15% so với mức nền thấp của năm 2023 và GDP cũng lấy lại tốc độ tăng trưởng ổn định quanh 6,5%.
Rủi ro lớn đối với thị trường Việt Nam là giá dầu biến động theo chiều hướng bất lợi khiến lạm phát tiếp tục kéo dài. Fed có thể không hạ lãi suất sớm như dự kiến và cũng ảnh hưởng đến P/E mục tiêu của thị trường.
Ngoài ra, rủi ro từ thị trường bất động sản trong nước đóng băng lâu hơn dự kiến cùng với tác động của đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp kỷ lục vào năm 2024 cũng sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản và nợ xấu của hệ thống ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và định giá.
Năm 2024 cũng được xem là năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam khi hệ thống mới KRX được đưa vào vận hành. Nhiều sản phẩm tài chính mới sẽ được ra mắt như giao dịch bán khống, giao dịch cổ phiếu trong ngày (T+0), giúp thu hút các nhà đầu tư tham gia, qua đó cải thiện vấn đề thanh khoản.
Đặc biệt, mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) được xem là nút thắt quan trọng để tháo gỡ những điều kiện còn thiếu trong vấn đề nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy dòng vốn từ các quỹ ETF lớn trên toàn cầu đổ vào thị trường. PHS dự báo giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE và HNX trong năm 2024 có thể đạt 21.750 tỷ đồng bao gồm cả lệnh thỏa thuận và khớp lệnh.
Trên cơ sở thị trường dự báo thị trường năm 2024, PHS dự kiến mang về 745 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 33% so với kết quả ước tính năm 2023 là 562 tỷ đồng. Lãi trước thuế và sau thuế kế hoạch ở mức 132 tỷ đồng và gần 101 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu này đều dự kiến gấp đôi con số ước tính năm trước.
Về cơ cấu doanh thu, nguồn thu chủ yếu từ hoạt động cho vay và môi giới, có thể đạt 378 tỷ đồng và 259 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 20% và 69% so với năm trước. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và doanh thu nghiệp vụ lưu ký có doanh thu kế hoạch năm 2024 ở mức 40 tỷ đồng và 12 tỷ đồng, gấp gần 4 lần và hơn 2 lần ước tính năm 2023. Ngược lại, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) dự kiến đi lùi 27%, còn khoảng 54 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2024, PHS đặt kế hoạch có doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính 500 triệu đồng, năm 2023 ước tính không ghi nhận, năm 2022 hoạt động này mang về hơn 558 triệu đồng.