10:32 17/04/2009

Một luật sửa tám luật: Quá rộng!

Minh Thúy

"Cuộc đại phẫu" về luật để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã bắt đầu

Pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều hạn chế - Ảnh: Việt Tuấn.
Pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều hạn chế - Ảnh: Việt Tuấn.
"Cuộc đại phẫu" về luật để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã bắt đầu.

Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/4.

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 52 điều, khoản vướng mắc, bức xúc nhất trong tám luật và một nghị quyết, gồm: 8 điều của Luật Xây dựng, 8 điều của Luật Đầu tư, 17 điều của Luật Đấu thầu, 7 điều của Luật Doanh nghiệp, 2 điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, 4 điều của Luật Đất đai, 2 điều của Luật Bảo vệ môi trường, 3 điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, 1 điều của Nghị quyết 66/2006/QH11 về dự án, công trình quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Như vậy, còn một số luật, pháp lệnh khác có liên quan đến đầu tư xây dựng chưa xem xét trong luật này.

Sáng kiến lập pháp?

Tờ trình của Chính phủ gọi dự luật này là “sáng kiến lập pháp của Quốc hội” trên cơ sở kết quả giám sát hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trong phạm vi cả nước của  Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương về đầu tư xây dựng cơ bản còn có những vấn đề nổi cộm, thiếu thống nhất và chưa phù hợp với thực tế.

Điều đó đang gây trở ngại cho việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng cơ bản, sửa đổi, bổ sung kịp thời các luật để trình Quốc hội xem xét.

Quốc hội đã quyết định đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009.

Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật chuyên ngành khác nhau, với những nội dung phức tạp.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản ngay trong năm 2009 và 2010, Ủy ban này thấy rằng cần trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật ngay tại kỳ họp thứ 5 tới đây.

Theo dự thảo, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày1/7/2009.

Hết sức thận trọng

Đánh giá cao quá trình khẩn trương chuẩn bị xây dựng dự án luật của Chính phủ (từ tháng 11/2008) song hầu hết các ý kiến thảo luận đều lo ngại về phạm vi điều chỉnh quá rộng của Luật có thể ảnh hưởng đến tính hệ thống của pháp luật hiện hành.

Mới thẩm tra sơ bộ, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã dành tới 10 trang để “cân đong” lợi – hại và bày tỏ chính kiến với từng điều, khoản trong dự luật.

Nhận định vấn đề bức xúc nhất là tiến độ sử dụng các dự án sử dụng vốn Nhà nước rất chậm, một trong những nguyên nhân chính là do thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc, rườm rà, Ủy ban đề nghị dự luật chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Đa số nội dung về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản được quy định trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Vì vậy, cần tập trung sửa đổi, bổ sung 2 luật này và một số quy định trong các luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cũng đề nghị Chính phủ giải trình thêm về tác động của việc sửa đổi 2 điều của Luật Bảo vệ môi trường và 3 điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, chưa nên sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai và Nghị quyết 66/2006/QH11.

Riêng với Luật Đất đai, Ủy ban này cho rằng nếu chỉ sửa đổi một vài điều thì chưa giải quyết được vướng mắc hiện tại mà có thể còn làm phức tạp thêm tình hình. Mặt khác, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai cũng đang được chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong thời gian tới.

Với lý do nội dung sửa đổi trong 2 điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp không liên quan trực tiếp đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa nên sửa.

Cách đặt vấn đề của cơ quan thẩm tra nhận được sự đồng thuận cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại dự luật quá nhiều vấn đề và quá rộng, ở một số vấn đề cụ thể tính thuyết phục chưa cao, lý do chưa xác đáng.

Đại biểu Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân Nguyện cho rằng không nên dùng luật để sửa nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình góp ý về việc sửa Luật Phòng cháy chữa cháy: “Luật tốt thế có gì mà sửa. Chỉ là quy định cụ thể hơn thôi, không có gì khác thì sửa làm gì?”.

Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, cần hết sức thận trọng, vì có thể tách một điều ra để sửa nhưng nó còn có liên quan đến các điều khác trong luật đó, nên “phanh” lại  việc sửa một số luật.

Coi đây là bộ luật “cấp bách”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc bày tỏ : “chúng tôi muốn là Quốc hội thông qua kỳ này thì mới giải quyết được chứ sang năm mới áp dụng thì sẽ không đáp ứng yêu cầu bức xúc nữa”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: đây là lần đầu tiên dùng một luật sửa nhiều luật, là cách làm hay, sát với thực tiễn. Theo Chủ tịch, sửa những vấn đề bức xúc nhưng phải kỹ, thuyết phục, tránh sửa cái này lại “kênh” cái khác.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên “gia hạn” thì việc tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện dự án luật này phải xong trước 10/5 để kịp gửi đến các vị đại biểu Quốc hội