15:59 26/04/2024

Một số nội dung của Luật Đất đai còn chưa rõ ràng

Thanh Xuân

Tại hội thảo "Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai và dự thảo Nghị định quy định về giá đất" do VCCI phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, nhiều đại biểu phản ánh một số nội dung của Luật Đất đai còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ...

Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai 2024.
Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai 2024.

Phát biểu tại hội thảo, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, với 16 chương 260 điều. Hiện, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã quy định chi tiết 51 nội dung được giao trong Luật Đất đai, với bố cục 10 chương, 115 Điều.

Theo bà Mỹ, đây là dự thảo nghị định quan trọng, có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội, nhất là liên quan đến thực thi Luật Đất đai. Vì vậy, để hoàn thiện và phổ biến rộng rãi, bảo đảm tính hiệu quả và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới, rất cần sự tham vấn từ các đại biểu, đại diện cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đưa ra ý kiến đóng góp cho nội dung thu hồi đất trong Luật Đất đai 2024, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ rõ: mục 1 gồm hai trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng – an ninh và để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhưng chỉ có hướng dẫn trình tự với trường hợp quốc phòng – an ninh, trường hợp còn lại chưa đề cập, trong khi vấn đề này doanh nghiệp rất quan tâm.

Ngoài ra, ở mục 4, cưỡng chế kiểm đếm và thu hồi, tại Điều 37.2: “Vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế trong thời hạn 5 ngày và được thể hiện bằng văn bản”. Do đây là thủ tục tốn nhiều thời gian nên ông Hiệp đề nghị bổ sung thành: Sau khi UBND cấp huyện thông báo việc kiểm đếm để thu hồi, sau thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm thông báo, nếu chủ sử dụng đất không đồng thuận, thì ban cưỡng chế sẽ vận động, thuyết phục, đối thoại trong thời hạn 5 ngày.

Với Điều 51, ông Hiệp đánh giá: Các hướng dẫn về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đều sơ sài (kể cả Luật Đấu thầu và Luật Đất đai), vì vậy việc thực hiện tại địa phương còn nhiều lúng túng. Đặc biệt, giá đất khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chưa được xác định, nên khi được chấp thuận rồi (thậm chí đã giải phóng mặt bằng một phần) mới xác định được giá đất quá cao, nhà đầu tư không thực hiện được phải bỏ. Đề nghị xem xét quy trình và có tiêu chí về đấu thầu thực hiện dự án có sử dụng đất cụ thể hơn.

Tương tự, bà Trịnh Minh Hằng, đại diện Phòng pháp chế Công ty Honda Việt Nam, đề xuất cần có hướng dẫn chi tiết các yêu cầu khi sử dụng đất đa mục đích, để doanh nghiệp không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bởi tại Điều 218.2 của Luật Đất đai 2024, việc sử dụng đất đa mục đích phải đáp ứng một số yêu cầu như: Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai; Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính.

Nhưng “Chúng tôi nhận thấy quy định của Luật chưa thật sự rõ ràng, chưa rõ thế nào là không làm thay đổi loại đất. Chúng tôi hiểu rằng loại đất theo phân loại đất tại khoản 2 và 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024, sẽ căn cứ vào mục đích sử dụng và mục đích sử dụng đất sẽ được quyết định thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất. Như vậy, liệu có thể hiểu chỉ khi thay đổi mục đích sử dụng đất (làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất) mới được coi là thay đổi loại đất hay không? Đồng thời, chưa rõ thế nào là không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính. Chúng tôi chưa rõ các điều kiện cần thiết cụ thể là những điều kiện gì?...”, bà Hằng bày tỏ.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp cho Luật, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân thông tin thêm: Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm. Điều này đồng nghĩa với việc các bộ, ngành phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để đảm bảo triển khai thống nhất, đồng bộ Luật Đất đai (sửa đổi) khi có hiệu lực sớm”, Thứ trưởng cho hay.