15:54 31/08/2022

Mua bán sôi động, VHM bùng nổ đỡ chỉ số

Kim Phong

Lượng hàng T+2,5 về đến tài khoản chiều nay đã tranh thủ chốt lời khá mạnh, nhưng dòng tiền vào mua cũng rất tốt, đẩy thanh khoản lên. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn buổi chiều tăng 27% so với phiên sáng, trong đó tiền vào HoSE tăng gần 33%...

VN-Index có nhịp tăng khá tốt buổi chiều do cổ phiếu VHM được kéo lên kịch liệt.
VN-Index có nhịp tăng khá tốt buổi chiều do cổ phiếu VHM được kéo lên kịch liệt.

Lượng hàng T+2,5 về đến tài khoản chiều nay đã tranh thủ chốt lời khá mạnh, nhưng dòng tiền vào mua cũng rất tốt, đẩy thanh khoản lên. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn buổi chiều tăng 27% so với phiên sáng, trong đó tiền vào HoSE tăng gần 33%.

Thông thường giao dịch phiên chiều có thanh khoản ít hơn buổi sáng. Nguyên nhân một phần là buổi sáng khối lượng T+3 về và sẵn sàng giao dịch. Với thay đổi rút ngắn còn T+2,5, có lẽ nhà đầu tư cần quen dần với mức thanh khoản tăng buổi chiều.

Với khối lượng cổ phiếu có lãi khá tốt, nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận để “nhẹ đầu” qua kỳ nghỉ lễ cũng là bình thường. Thống kê nhanh với nhóm cổ phiếu VN100 sàn HoSE, 37 cổ phiếu đã lỗ tính đến giá đóng cửa hôm nay và 52 mã có lãi. Đó là theo giá đóng cửa mua ngày 29/8. Nếu bắt được giá tốt nhất hôm đó, số có lãi vọt lên 90 mã. Nếu tính giá trung bình theo khối lượng của ngày 29/8, cũng có 70 mã đem lại lợi nhuận.

Đợt chốt lời rõ nhất xuất hiện ngay khi thị trường mở cửa trở lại. Lực bán tăng vọt khiến độ rộng sàn HoSE chỉ còn 136 mã tăng/288 mã giảm trong khi cuối phiên sáng là 169 mã tăng/224 mã giảm. Rõ ràng sức ép này đã tạo áp lực nhất định lên giá cổ phiếu.

Tuy nhiên sau đó dòng tiền mua cũng khá mạnh, cổ phiếu phục hồi giá dần và các mã lớn kéo được VN-Index quay lại lên trên tham chiếu. Thống kê trên sàn HoSE, có 197 cổ phiếu giá đóng cửa cao hơn mức chốt cuốiphiên sáng, 105 mã tụt giá. Như vậy so với phiên sáng, mặt bằng giá cổ phiếu đã tốt hơn. Độ rộng VN-Index cuối phiên cũng đảo chiều tích cực với 267 mã tăng/162 mã giảm.

Sự thiếu đồng thuận ở các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã khiến VN-Index tăng không trọn vẹn hôm nay.
Sự thiếu đồng thuận ở các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã khiến VN-Index tăng không trọn vẹn hôm nay.

Dù vậy khá buồn là VN-Index đóng cửa chỉ tăng 1,12 điểm tương đương 0,09% so với tham chiếu, kém hơn mức tăng 1,87 điểm cuối phiên sáng. Thực ra chỉ số này may mắn là không đỏ, nếu như không có vài trụ lớn rất nỗ lực tăng để bù đắp lẫn nhau.

VCB là cổ phiếu gây bất ngờ phút cuối, phá hỏng đà tăng chiều nay. Đến cuối đợt khớp lệnh liên tục cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường này mới giảm 0,7%, nhưng đợt ATC bị xả mạnh, giá đóng cửa giảm tới 2,33%. VNM cũng tụt giá từ tham chiếu thành giảm 0,66% ở đợt cuối. Rất may VHM duy trì được độ cao rất tốt, tăng 1,84% cuối phiên.

Giao dịch của VHM cũng rất bất ngờ khi có nhịp tăng cực mạnh chiều nay. Từ khoảng 1h15 đến 2h25, VHM tăng bùng nổ 2,33%, nghĩa là đảo ngược từ giảm thành tăng. VHM chính là nòng cốt của nhịp đảo chiều tương tự ở VN-Index và chỉ số này đạt đỉnh trong phiên chiều, tăng 0,46% so với tham chiếu tương đương xấp xỉ 6 điểm.

Như vậy sự thiếu đồng thuận của nhóm cổ phiếu trụ chiều nay suýt khiến thị trường kết phiên cuối tháng 8 trong sắc đỏ. Tuy vậy nếu nhìn ở góc độ cổ phiếu thì chiều nay vẫn là một phiên giao dịch tích cực: Thanh khoản tăng cao đáng kể và mặt bằng giá cổ phiếu được nâng lên tốt hơn buổi sáng. Độ rộng cuối ngày cũng tích cực trở lại. Khoảng 117 cổ phiếu đóng cửa tăng trên 1% so với tham chiếu trong khi số giảm trên 1% chỉ có 44 mã.

Mặc dù vậy áp lực xả hàng vẫn rất đáng chú ý ở các cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu riêng biệt. Chẳng hạn các mã phân bón, dầu khí hôm nay chịu ảnh hưởng nặng của giá dầu lao dốc đột biến cũng như mức tăng quá nhanh trong ngắn hạn. DCM giảm 0,66%, DPM giảm 0,37% trong khi chỉ 8 phiên vừa qua đã tăng tới 22% và 20%. PVD giảm 4,17%, GAS giảm 1,51%, PVS giảm 2,11%, BSR giảm 1,91%...

Phiên chốt tháng 8 cũng ghi nhận mức bán ròng từ khối ngoại bước sang phiên thứ 4 liên tục. Trên HoSE hôm nay khối này xả ròng 175,2 tỷ đồng, tập trung vào NVL (-97 tỷ), KBC (-31,1 tỷ). Nhóm VRE, HPG, VJC, VIC bị bán ròng quanh 20 tỷ đồng. Phía mua ròng có SHB +467 tỷ, HDB +33,8 tỷ, VHC +21,3 tỷ là đáng kể.