22:28 08/07/2019

Mức đề xuất "vênh" nhau lớn, lương tối thiểu 2020 có chốt trong phiên họp lần 2?

Nhật Dương

Theo kế hoạch, dự kiến phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 11/7 tới đây, hai bên kỳ vọng sẽ "chốt" được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020

Tiền lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, trong khi mức đề xuất của các bên đang "vênh" nhau khá cao. Ảnh minh họa. N.Dương.
Tiền lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, trong khi mức đề xuất của các bên đang "vênh" nhau khá cao. Ảnh minh họa. N.Dương.

Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra hồi giữa tháng 6, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 cao nhất lên đến 8%, thì phía đại diện giới chủ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn bảo lưu quan điểm như các năm là đề nghị không tăng.

Lý giải về mức đề xuất lên đến 8%, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, mức tăng trên đã được cơ quan này tính toán kỹ để đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động vào năm 2020.

Trong khi đó, đại diện cho giới chủ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mức tăng như đề xuất của đại diện người lao động là quá cao, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp nên đề nghị không tăng.

Đây không phải là lần đầu tiên mức đề xuất giữa các bên "vênh" nhau khá lớn vào mỗi mùa thương lượng lương tối thiểu vùng. Lập luận của phía giới chủ luôn là trong những năm qua tiền lương tối thiểu đã liên tục tăng, và trên thực tế là hầu hết các doanh nghiệp đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.

Do đó, chi phí của doanh nghiệp luôn bị "đội" lên cao khi áp dụng mức tăng lương mới, dù đang cần cắt giảm nhiều loại chi phí để tăng khả năng cạnh tranh. Cụ thể, nếu như năm 2019 mức tăng lương tối thiểu là 5,3%, thì có đến 72,5% doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6%; có 2,1% doanh nghiệp tăng 5,9%.

Khả năng chi trả của doanh nghiệp cần được nhìn ở tầm vĩ mô

Lập luận của VCCI là có cơ sở khi đứng trên góc độ đại diện cho doanh nghiệp, nhưng phản biện về vấn đề này tại một cuộc hội thảo diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhóm chuyên gia lao động cho rằng, khả năng chi trả của doanh nghiệp là một yếu tố rất khó xác định và mang tính đơn lẻ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, người lao động thường không thể tiếp cận được thông tin chính xác về khả năng chi trả của doanh nghiệp, vì theo quy định tại Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định về những nội dung phải công khai, chỉ quy định chung chung là: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh, vì vậy người lao động không thể có thông tin về khả năng chi trả của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không công khai các thông tin này tại nơi làm việc.

Theo nhóm chuyên gia, khi xem xét tiêu chí khả năng chi trả của doanh nghiệp trong xác định tiền lương tối thiểu không phải là ở các doanh nghiệp riêng lẻ, mà cần nhìn chung trong cả nước, các ngành, đặc biệt là ở những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản... vì những ngành này liên quan đến lương tối thiểu nhiều hơn.

Tiền lương tối thiểu cũng không phải là mức được xác định ở cấp doanh nghiệp, mà ở cấp Trung ương, có đại diện các bên trong thương lượng với khuyến nghị trên cơ sở đồng thuận. Do vậy, khả năng chi trả của doanh nghiệp được nhìn nhận ở vĩ mô, thông qua các chỉ tiêu thành phần, thường được "đo sức khỏe của doanh nghiệp" như số doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, năng suất lao động, chi phí lao động.

Trong khi đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đã xác định: "Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ".

Năm 2018, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất với Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP về công bố mức lương tối thiểu vùng năm 2019, điều chỉnh từ 1/1/2019 bình quân tăng 5,3% so với 2018 (vùng 1 là 4,18 triệu đồng; vùng 2 là 3,71 triệu đồng; vùng 3 là 3,25 triệu đồng và vùng 4 là 2,92 triệu đồng).

Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 đã đáp ứng trên 95% so với mức sống tối thiểu của người lao động. Theo đó, để mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, theo nhóm chuyên gia, năm 2020 cần điều chỉnh mức lương tối thiểu bình quân là 4,8%.

Theo kế hoạch, dự kiến phiên họp thương lượng lần hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 11/7 tới đây, tại phiên họp này các bên kỳ vọng sẽ thống nhất và "chốt" được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.