09:09 31/07/2021

Mỹ: “Cuộc chiến chống Covid đã thay đổi” vì biến chủng Delta

An Huy

CDC Mỹ nói rằng biến chủng Delta dễ lây như bệnh thuỷ đậu; lây nhanh hơn nhiều so với các bệnh đậu mùa, cảm lạnh, cúm mùa, Ebola, Mers và Sars; và có vẻ chỉ kém bệnh sởi về tốc độ lây...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

"Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã thay đổi vì biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng" - Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC) Mỹ nhận định. Trên cơ sở đánh giá này, CDC đề xuất cần đưa ra thông điệp rõ ràng hơn, áp chính sách tiêm vaccine bắt buộc đối với nhân viên y tế, và khuyến nghị toàn dân đeo khẩu trang trở lại.

Theo tin từ Reuters, một tài liệu nội bộ của CDC Mỹ nói rằng biến chủng Delta dễ lây như bệnh thuỷ đậu; lây nhanh hơn nhiều so với các bệnh đậu mùa, cảm lạnh, cúm mùa, Ebola, Mers và Sars; và có vẻ chỉ kém bệnh sởi về tốc độ lây. Biến chủng này có thể được truyền từ những người đã tiêm phòng và có khả năng gây bệnh thể nặng hơn so với những biến chủng trước.

ĐÃ TIÊM VACCINE VẪN CÓ THỂ NHIỄM VÀ TRUYỀN BỆNH

Tài liệu trên cũng nói biến chủng Delta cần một phương pháp tiếp cận mới để giúp công chúng hiểu được mức độ nguy hiểm, bao gồm nói rõ rằng những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tử vong cao gấp 10 lần so với những người được tiêm phòng đầy đủ.

“Hãy thừa nhận rằng cuộc chiến đã thay đổi”, CDC Mỹ nhấn mạnh. “Hãy tăng cường tuyên truyền về rủi ro cả ở những người đã tiêm vaccine”.

 

“Hãy thừa nhận rằng cuộc chiến đã thay đổi. Hãy tăng cường tuyên truyền về rủi ro cả ở những người đã tiêm vaccine”.

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC) Mỹ

Tài liệu đề xuất các biện pháp phòng ngừa bao gồm tiêm vaccine bắt buộc cho y bác sỹ và nhân viên y tế để bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương, và áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang toàn dân.

Theo CDC Mỹ, những người đã tiêm vaccine có khả năng bị nhiễm bệnh thấp hơn, nhưng trong trường hợp bị nhiễm biến chủng Delta – không giống như trong trường hợp nhiễm các biến chủng khác - họ vẫn có thể truyền bệnh sang người khác, tương tự như những người chưa tiêm phòng và bị nhiễm.

“Lượng virus lớn đồng nghĩa với rủi ro truyền bệnh cao hơn và đặt ra lo ngại rằng, không giống như những biến chủng khác, những người nhiễm biến chủng Delta dù đã tiêm vaccine vẫn có thể truyền virus”, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky nói trong một tuyên bố.

Ngày 30/7, CDC Mỹ công bố dữ liệu nghiên cứu về sự bùng dịch ở bang Massachusetts, nói rằng 3/4 số ca nhiễm ở bang này là những người đã tiêm vaccine đầy đủ. Theo bà Wallensky, nghiên cứu này đóng một vai trò quan trọng trong quyết định mà CDC đưa ra vào tuần này: khuyến nghị người dân đã tiêm phòng vẫn nên đeo khẩu trang trong một số trường hợp.

Số liệu của CDC cho thấy,  tính đến ngày 26/7, trong số những người tiêm đủ vaccine ở Mỹ, vẫn có tổng cộng 6.587 trường hợp phải nhập viện hoặc tử vong. Từ cách đây mấy tháng, CDC đã ngừng báo cáo về những ca nhiễm thể nhẹ sau khi đã tiêm vaccine, nhưng trong lần báo cáo mới nhất, cơ quan này ước tính có khoảng 35.000 ca nhiễm mới có triệu chứng mỗi tuần ở Mỹ ở những người đã tiêm chủng.

THẾ GIỚI LAO ĐAO VÌ BIẾN CHỦNG DELTA

Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, nơi một tỷ lệ lớn người dân chưa được tiêm phòng, biến chủng Delta đang gây ra một làn sóng những ca nhiễm phải nhập viện hoặc tử vong.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đang quá tải: “Thành quả chống dịch khó khăn lắm mới đạt được giờ đang bị đe doạ hoặc mất đi”, ông Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo.

Dù vậy, chuyên gia trường hợp khẩn câps Mike Ryan của WHO nói rằng vaccine vẫn hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh thể nặng và tử vong: “Chúng ta vẫn đang chiến đấu với cùng một loại virus, nhưng virus đó đã trở nên mạnh hơn”.

 
“Thay đổi lớn nhất mà biến chủng Delta dẫn tới là vẫn phải đeo khẩu trang. Những nước đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang sẽ phải áp dụng lại quy định này”.
Carlo Federico Perno, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm bệnh viện Bambino Gesu ở Rome

Ngay cả ở những nước giàu đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng, số ca nhiễm mới cũng đang tăng lên. Đến nay, vaccine giúp tỷ lệ tử vong giảm xuống, nhưng một tỷ lệ không nhỏ dân số vẫn đang trong tình trạng dễ tổn thương, nhất là những người từ chối tiêm vaccine. Chống vaccine là một vấn đề tại nhiều khu vực ở Mỹ, đặc biệt là ở những vùng ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump là cựu Tổng thống còn sống duy nhất chưa tham gia vào chiến dịch khuyến khích người dân tiêm vaccine.

Gần 1/3 người trưởng thành ở Mỹ hiện vẫn chưa tiêm vaccine. Những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần gần đây, khiến nhà chức trách lo ngại rằng số ca nhập viện và tử vong cũng sớm tăng theo.

Tại Anh, một ban cố vấn của Chính phủ nói rằng sự bảo vệ của vaccine có thể suy giảm theo thời gian, đồng nghĩa rằng các chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 có thể phải kéo dài nhiều năm trời.

Hôm thứ Ba tuần này, CDC Mỹ - sau vài tháng cho rằng người Mỹ đã tiêm phòng không phải đeo khẩu trang - đã thay đổi khuyến cáo, nói rằng ngay cả những người dã tiêm đủ vẫn phải đeo khẩu trang ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các địa phương tặng tiền mặt cho người đi tiêm, đồng thời đặt ra quy định mới yêu cầu công chức liên bang phải đưa ra bằng chứng đã tiêm phòng hoặc phải xét nghiệm thường xuyên; bắt buộc phải đeo khẩu trang; và tuân thủ các hạn chế đi lại.

“Thay đổi lớn nhất mà biến chủng Delta dẫn tới là vẫn phải đeo khẩu trang. Những nước đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang sẽ phải áp dụng lại quy định này”, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm bệnh viện Bambino Gesu ở Rome, ông Carlo Federico Perno, phát biểu.

Nhiều quốc gia ở châu Á bị biến chủng Delta hoành hành đặc biệt mạnh trong những tuần gần đây. Ngày thứ Sáu, nhiều nước phải công bố các hạn chế mới.

Từ ngày thứ Hai, lực lượng quân đội sẽ hỗ trợ cảnh sát ở Sydney, thành phố lớn nhất Australia, kiểm tra việc những người có kết quả dương tính Sars-CoV-2 đã thực hiện cách ly.

Philippines công bố kế hoạch phong toả vùng thủ đô Manila, khu vực có hơn 13 triệu dân, trong 2 tuần.

Tại Nhật Bản, nơi số ca nhiễm mới tăng mạnh đang phủ bóng lên Thế vận hội, Chính phủ đề xuất duy trì tình trạng khẩn cấp đến hết tháng 8 ở 3 tỉnh gần Tokyo và ở Oska. “Lây nhiễm đang lan rộng. Tình hình rất nghiêm trọng”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura phát biểu, cảnh báo rằng số ca nhiễm mới vẫn chưa đạt đỉnh.