11:03 26/12/2019

Mỹ, Trung Quốc chiếm 9/10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới

Bình Minh

Trong top 10 doanh nghiệp đại chúng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, duy nhất chỉ có một công ty không phải của Mỹ hoặc Trung Quốc

Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba.
Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba.

Trong danh sách top 10 công ty đại chúng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế ở thời điểm cuối năm 2019 mà tờ Nikkei Asia Review đưa ra, có 9 công ty là của Mỹ và Trung Quốc.

Nikkei cho biết, giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ châu Á tăng mạnh trong năm nay, khi ngành công nghệ bước vào giai đoạn đi lên trong chu kỳ kinh doanh và giới đầu tư trở nên lạc quan hơn về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong số các công ty công nghệ, hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba là một doanh nghiệp dẫn đầu về mức tăng trưởng vốn hóa năm nay.

Tính đến ngày 20/12, vốn hóa của Alibaba tăng 60% so với đầu năm, đạt 570 tỷ USD. Với mức vốn hóa này, Alibaba trở thành công ty đại chúng có vốn hóa "khủng" nhất ở khu vực châu Á lần đầu tiên kể từ 2014. Trên phạm vi toàn cầu, Alibaba đứng ở vị trí thứ 7 về vốn hóa.

Mức tăng vốn hóa của Alibaba năm nay vượt xa mức tăng 20% của hãng thương mại điện từ Mỹ Amazon.com và mức tăng 29% của một hãng công nghệ Mỹ khác là Alphabet - công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google.

Công ty công nghệ Trung Quốc Tencent là doanh nghiệp đại chúng có vốn hóa lớn nhất ở châu Á trong 2018, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ hai trong năm nay do doanh thu quảng cáo suy giảm và sự nổi lên của đối thủ ByteDance với mạng xã hội video TikTok.

Trong top 10 thế giới, duy nhất chỉ có một công ty không phải của Mỹ hoặc Trung Quốc là Saudi Aramco, hãng dầu lửa quốc doanh của Saudi Arabia. Aramco vừa thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 11, huy động 25,6 tỷ USD đánh dấu vụ IPO lớn nhất lịch sử thế giới. Vốn hóa của Aramco gần đây dao động trong khoảng 1,9-2 nghìn tỷ USD, chiếm vị trí số 1 toàn cầu.

1

Ngoài top 10 cũng có nhiều công ty công nghệ chứng kiến vốn hóa tăng mạnh trong năm nay. Chẳng hạn, vốn hóa của Meituan Dianping - một siêu ứng dụng của Trung Quốc được Tencent hậu thuẫn - tăng gấp hơn 2 lần, đạt 76 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghệ cũng chứng kiến vốn hóa tăng mạnh. Vốn hóa của hãng điện tử Hàn Quốc Samsung tăng 39%, đạt 320 tỷ USD khi giới đầu tư đặt cược vào sự hồi phục của ngành chip nhớ. Với mức vốn hóa này, Samsung đứng ở vị trí thứ 15 về vốn hóa trên toàn cầu.

Sau nhiều biến động, thị trường chứng khoán thế giới đang khép lại năm 2019 với thành quả tăng tốt. Các chỉ số chính của các thị trường Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng khoảng 20% trở lên.

Nhờ đó, không hiếm những công ty có vốn hóa tăng gần gấp đôi, thậm chí gấp ba. Chẳng hạn, vốn hóa công ty Kweichow Moutai, nhà sản xuất rượu Mao Đài của Trung Quốc, tăng 90%, đạt 205 tỷ USD. Vốn hóa công ty sản xuất máy móc xây dựng Sany Heavy Industry của Trung Quốc tăng 96% nhờ nhu cầu của các dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Trái lại, các hãng hàng không ở Đông Nam Á nằm trong số những công ty chứng kiến vốn hóa giảm mạnh nhất năm nay. Hãng Thai Airways của Thái Lan mất 38% giá trị vốn hóa do thua lỗ triền miên và Chủ tịch hãng này đề cập khả năng đóng cửa hãng.

Vốn hóa hãng AirAsia của Malaysia giảm 42% do giá xăng dầu tăng và nhiều yếu tố bất lợi khác khiến lợi nhuận suy giảm. Nhà đầu tư cũng lo ngại về mức độ cạnh tranh cao giữa các hãng bay giá rẻ, đặc biệt ở Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ.

Ở Hàn Quốc, các dịch vụ trên Internet đang thách thức các nhà bán lẻ truyền thống. Hai hãng bán lẻ lớn nhất nước này là E-Mart và Lotte chứng kiến vốn hóa sụt 30% và 37% trong năm nay.