Mỹ tuyên bố chưa có kế hoạch “cấm cửa” doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết
Mấy ngày trước có tin chính quyền ông Trump cân nhắc hạn chế việc nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói nước này hiện chưa có bất kỳ kế hoạch nào không cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có tin chính quyền Tổng thống Donald Trump cân nhắc hạn chế việc nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.
"Chính quyền hiện không có kế hoạch cấm các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ", phát ngôn viên Bộ Tài chính Monica Crowley nói trong một tuyên bố gửi hãng tin Bloomberg vào cuối tuần.
Trước đó, hôm thứ Sáu, nhiều hãng tin lớn nói Chính phủ Mỹ đang xem xét một số biện pháp, bao gồm không cho phép doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Thông tin này khiến Phố Wall lo ngại, với chỉ số S&P 500 đóng cửa với mức giảm 5%. Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Alibaba và Baidu đồng loạt giảm.
Giới thạo tin nói với Bloomberg rằng ngoài cấm doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, Nhà Trắng còn cân nhắc các biện pháp khác như hạn chế nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào thị trường Trung Quốc thông qua các quỹ lương hưu của chính phủ, đặt ra hạn chế đối với các công ty Trung Quốc được đưa vào các chỉ số chứng khoán do doanh nghiệp Mỹ quản lý. Tuy nhiên, tuyên bố của bà Crowley không đề cập đến các biện pháp này.
Cũng theo nguồn tin, chính quyền ông Trump đã thảo luận những hạn chế này suốt mấy tuần nay và Bộ Tài chính Mỹ đã họp cùng các cơ quan liên quan khác. Các cuộc họp này đều được chủ trì bởi ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (NEC). Chính ông Trump là người "bật đèn xanh" cho các cuộc thảo luận.
Tuy nhiên, nguồn tin nói rằng nỗ lực này chủ yếu đến từ phái "diều hâu" trong chính quyền, như cố vấn thương mại Peter Navarro và một số cố vấn bên ngoài như Steve Bannon. Trong khi đó, NEC và Bộ Tài chính Mỹ lo ngại về phản ứng của thị trường và muốn đảm bảo rằng bất kỳ một kế hoạch nào cũng phải thực hiện theo cách sao cho không khiến giới đầu tư hoảng sợ.
Giới thạo tin cũng cho biết Nhà Trắng hôm thứ Sáu đã "khó chịu" khi thông tin về những cân nhắc này bị lộ ra trước công chúng trong lúc các quan chức chưa quyết định sẽ hành động theo hướng nào.
Các cố vấn có quan điểm mềm mỏng tham gia vào cuộc thảo luận về những hạn chế nói trên chủ yếu xem đây như một biện pháp để tạo ra mức độ "có đi có lại" đối với Trung Quốc, xét đến việc Trung Quốc có các hạn chế đối với doanh nghiệp Mỹ.
Trái lại, phái "diều hâu" cho rằng bất kỳ khoản đầu tư nào của Mỹ vào các công ty Trung Quốc, cho dù công ty đó niêm yết ở Mỹ hay Trung Quốc, đều đặt nhà đầu tư trước nguy cơ bị lừa gạt do Trung Quốc thiếu các tiêu chuẩn chặt chẽ về quản trị doanh nghiệp.