10:36 15/04/2013

Mỹ “xuống nước” với Triều Tiên?

An Huy

Đề xuất đàm phán với chính quyền Kim Jong Un mà ông Kerry đưa ra đánh dấu sự “mềm đi” đáng kể trong thái độ của Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh hôm 13/4 - Ảnh: Xinhua.<br>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh hôm 13/4 - Ảnh: Xinhua.<br>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố ông sẵn sàng mở một kênh ngoại giao trực tiếp giữa Washington với lãnh đạo Triều Tiên nhằm giảm căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, miễn là Bình Nhưỡng cho thấy những tín hiệu sẽ bắt đầu từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Theo tờ Wall Street Journal, ông Kerry nói rằng, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang tìm cách hợp tác với Trung Quốc để mở ra một cánh cửa cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người đã liên tục đe dọa tấn công Mỹ và các mục tiêu đồng minh của nước này trong khu vực trong mấy tuần gần đây.

Theo giới chức Mỹ, từ năm ngoái tới nay, Washington và Bình Nhưỡng không có sự liên lạc trực tiếp cấp cao, mà chỉ liên lạc thông qua các phái đoàn của mỗi bên tại Liên hiệp quốc.

Hôm nay (15/4), Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã sẵn sàng cho khả năng Bình Nhưỡng phóng một tên lửa tầm trung nhân dịp sinh nhật nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.

“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại. Nhưng chúng tôi cần thời điểm phù hợp, hoàn cảnh phù hợp”, ông Kerry phát biểu trước các nhà báo vào tối hôm Chủ nhật (14/4) tại Tokyo về khả năng mở một kênh ngoại giao trực tiếp với Bình Nhưỡng. “Có những tiêu chuẩn mà chúng tôi cần đạt được để tiến tới đàm phán”.

Hôm qua, ông Kerry đã kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 3 ngày tới Seoul, Bắc Kinh và trạm dừng chân cuối cùng là Tokyo. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết, ông tin Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng mối quan hệ gần gũi truyền thống với Triều Tiên để thiết lập một kênh ngoại giao mới với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

“Cá nhân tôi rất cởi mở đối với việc thử nghiệm những hướng đi mới. Tôi đặc biệt quan tâm tới những gì mà phía Trung Quốc muốn nói. Họ có thể một kênh sau, họ có thể có một kênh trực tiếp”, ông Kerry nói.

Giới quan sát đánh giá, đề xuất đàm phán với chính quyền Kim Jong Un mà ông Kerry đưa ra đánh dấu sự “mềm đi” đáng kể trong thái độ của chính quyền Obama đối với phía Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục đưa ra những lời đe dọa về quân sự, vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo…

Đáp trả những lời đe dọa từ Bình Nhưỡng, Lầu năm góc trong mấy tuần qua đã phô trương một lực lượng hùng hậu trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm triển khai các máy bay ném bom B-2, máy bay chiến đấu tàng hình F-22, và những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhằm phòng trước bất kỳ một cuộc tấn công quân sự nào từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc phô trương sức mạnh quân sự này của Mỹ làm dấy lên những lo ngại ở Trung Quốc và Nga, thậm chí là trong nội bộ Lầu năm góc. Những người có quan điểm lo ngại cho rằng, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un có thể sẽ có những phản ứng thái quá, hoặc tính toán sai lầm và đáp trả bằng hành động quân sự. Hôm thứ Bảy vừa rồi, các quan chức Trung Quốc đã công khai cảnh báo Mỹ không nên khiêu khích Triều Tiên. Cảnh báo này được đưa ra sau khi ông Kerry tới Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố sẽ hợp tác nhằm nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng trở lại với tiến trình ngoại giao quốc tế hay còn gọi là các cuộc đàm phán 6 bên. Trong thập kỷ qua, các cuộc đàm phán này đã được thúc đẩy nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã chính thức rút khỏi các cuộc đàm phán này từ cuối năm 2009 và từ đó đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân. Tham gia vào các cuộc đàm phán 6 bên là các nước Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và Triều Tiên.

“Trung Quốc khẳng định cam kết duy trì hòa bình và ổn định và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi duy trì quan điểm rằng vấn đề Triều Tiên nên được xử lý và giải quyết hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn”, ông Dương Khiết Trì phát biểu hôm thứ Bảy (13/4) trước khi dùng bữa tối cùng ông Kerry.

Giới quan sát cũng đánh giá rằng, đề xuất mở kênh ngoại giao mà chính quyền Obama mở ra cho Bình Nhưỡng đi kèm với những rủi ro lớn về mặt chiến lược và chính trị đối với cả Nhà Trắng và cá nhân ông Kerry.

Tổng thống Obama đến nay vẫn còn chần chừ trong việc sử dụng lối đi ngoại giao với Triều Tiên, bởi trước đó, những thỏa thuận mà Washington đạt được với Bình Nhưỡng về tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên đều rơi vào thất bại.

Năm ngoái, Mỹ công bố thỏa thuận gửi viện trợ lương thực tới Triều Tiên để đổ lấy việc quốc tế giám sát chặt hơn chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng sau đó vài ngày, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã phóng một tên lửa tầm xa, vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, dẫn tới việc Washington phải hủy thỏa thuận nói trên.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Triều Tiên tỏ thái độ cự tuyệt một đề xuất mà phía Hàn Quốc đưa ra tuần trước về đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, thì đề xuất này của Seoul chỉ là một “trò bịp xảo trá”. Về phần mình, Seoul hiện đang nỗ lực tìm cách đưa khu công nghiệp chung giữa hai miền là Kaesong hoạt động trở lại sau khi khu này bị Triều Tiên đóng cửa hồi tuần trước.

Với nỗ lực giảm căng thẳng trong tình hình Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã tìm cách tạo ra sự cân cằng giữa một bên là liên minh quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản và một bên là quan hệ kinh tế và ngoại giao ngày càng được mở rộng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Seoul và Tokyo đã nhân chuyến thăm của ông Kerry để giành sự đảm bảo lớn hơn của Mỹ về việc Washington sẽ tiếp tục cam kết đảm bảo an ninh của Hàn Quốc và Nhật trước những lời đe dọa của Triều Tiên và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Đặc biệt, Nhật Bản đang ở trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông với phía Trung Quốc, xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật “chưa bao giờ thực sự mạnh hơn bây giờ. Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản”, ông Kerry tuyên bố trong một cuộc họp báo diễn ra vào ngày 14/4 với sự tham gia của người đồng cấp Nhật Fumio Kishida.

Theo đánh giá của giới ngoại giao châu Á, việc theo đuổi một vòng đàm phán mới với Triều Tiên có thể khiến chính quyền Obama rơi vào nguy cơ bị nhìn nhận như là phải nghiêng theo sức ép từ phía Trung Quốc. Chuyến thăm ngày thứ Bảy của ông Kerry tới Bắc Kinh là nhằm tìm kiếm việc Trung Quốc gây áp lực mạnh và công khai với Bình Nhưỡng, và có vẻ như ông đã không đạt được mục tiêu này.

Tại Bắc Kinh, ông Kerry cũng đưa ra gợi ý rằng, Mỹ có thể sẽ rút lại một số triển khai lực lượng ở Bắc Á nếu Trung Quốc “rắn” hơn với Bình Nhưỡng. Trọng tâm trong những triển khai lực lượng này là hệ thống phòng thủ tên lửa ở Guam và trên chiến hạm Aegis mà Mỹ đã cử tới khu vực ngoài khơi Hàn Quốc.

Các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại, Washington có thể chịu sức ép từ phía Trung Quốc mà phải giảm sự hiện diện quân sự ở châu Á. Các nhà làm luật thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ đang tìm cách gây sức ép để ông Kerry và Nhà Trắng không để Bắc Kinh đi sâu vào vấn đề Triều Tiên.

“Nhân tố quan trọng nhất và then chốt nhất trong vấn đề này là Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể ảnh hưởng tới hành vi của Triều Tiên. Trong một thời gian ngắn, họ có thể khiến nền kinh  tế Triều Tiên bị đóng cửa”, Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain phát biểu trên kênh CNN hôm Chủ nhật.